Tổng Tham mưu trưởng quân đội Hulusi Akar (giữa) tại lễ tang các binh sĩ thiệt mạng trong cuộc đảo chính ở Ankara ngày 19/7. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo thông cáo trên, các phó thủ tướng, những người đứng đầu các bộ Tư pháp, Nội vụ và Ngoại giao sẽ trở thành thành viên của Hội đồng quân sự tối cao. Đây là động thái mới nhất trong một loạt bước đi mà Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan thực hiện nhằm hạn chế quyền lực của các lực lượng vũ trang nước này sau cuộc đảo chính bất thành hôm 15-16/7 vừa qua.
Cùng trong ngày 31/7, Tổng thống Erdogan đã ban hành sắc lệnh cải tổ lực lượng quân đội, cho phép tổng thống và thủ tướng nước này có quyền đưa ra mệnh lệnh trực tiếp cho các tư lệnh của lục quân, không quân và hải quân. Sắc lệnh mới ban hành này cũng cho phép đóng cửa các học viện quân sự, thành lập trường Đại học tổng hợp quân sự mới để thay thế. Tư lệnh các quân, binh chủng sẽ chịu sự chỉ huy trực tiếp của Bộ trưởng Quốc phòng.
Ngoài ra, ông Erdogan cũng muốn các lãnh đạo tình báo quốc gia và Bộ Tổng tham mưu chịu sự chỉ huy trực tiếp của Tổng thống (hiện lãnh đạo hai cơ quan này chịu sự chỉ huy của Thủ tướng). Tuy nhiên, để làm được điều này cần sửa đổi Hiến pháp, nghĩa là cần có sự hợp tác của các đảng đối lập.
Cũng trong ngày 31/7, hãng thông tấn nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu đưa tin chính phủ nước này đã sa thải 1.9 quân nhân ra khỏi các lực lượng vũ trang. Các quân nhân này bị tình nghi có quan hệ với Giáo sĩ Fethullah Gulen, người hiện đang sống tại Mỹ, bị cáo buộc đứng sau vụ đảo chính bất thành.
Tổng thống Erdogan đã đẩy mạnh cải tổ bộ máy lãnh đạo quân sự sau vụ đảo chính bất thành do một nhóm trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành hôm 15-16/7. Kể từ vụ đảo chính đến nay, hơn 60.000 người bao gồm các tướng lĩnh, binh sĩ, cảnh sát, thẩm phán và công tố viên và nhân viên nhà nước đã bị bắt giữ hoặc bị sa thải do bị tình nghi có quan hệ với Giáo sĩ Gulen.