Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Gul cho biết, các quan chức Mỹ đã đề nghị xem xét một số dữ liệu kỹ thuật số về sự liên quan của Tổ chức Khủng bố Fethullah (FETO) đến âm mưu đảo chính năm 2016 và Ankara đã cung cấp những chứng cứ cần thiết. Bộ trưởng Gul cho rằng chuyến thăm của phái đoàn tư pháp Mỹ là "rất quan trọng" và kết quả cuộc điều tra sẽ ảnh hưởng đến quá trình dẫn độ giáo sĩ Gulen từ Mỹ về Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước đó, hôm 4/1, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã mở một chiến dịch truy quét trên toàn quốc để bắt giữ gần 150 người, trong đó có nhiều quân nhân, bị tình nghi có liên quan tới mạng lưới ủng hộ Giáo sĩ Gulen. Theo hãng thông tấn Anadolu và đài truyền hình NTV, các công tố viên tại các thành phố Istanbul, Konya và Ankara đã ra lệnh bắt giữ 137 người trong các cuộc điều tra khác nhau nhằm vào mạng lưới ủng hộ Giáo sĩ Gulen, người đang sống lưu vong tại Mỹ. Chiến dịch truy quét diễn ra tại hơn 30 tỉnh thành trên toàn Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó riêng Ankara phát lệnh bắt giữ 35 hạ sĩ quan Hải quân, trong đó có 10 người vẫn đang tại ngũ.
Trong cuộc đảo chính bất thành diễn ra đêm 15/7/2016, hơn 240 người, chủ yếu là dân thường, đã thiệt mạng khi một nhóm binh lính sử dụng xe tăng và máy bay chiến đấu tấn công các cơ quan trọng yếu của chính phủ nhằm lật đổ chính quyền của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc giáo sĩ Gulen đứng sau âm mưu này và đã tiến hành nhiều chiến dịch truy quét quy mô lớn nhằm vào các cá nhân và tổ chức tình nghi liên quan giáo sĩ này. Khoảng 160.000 người đã bị bắt giữ gồm các học giả, binh lính và cả các viên chức nhà nước. Trong số này, 77.000 người đã chính thức bị kết án tù.
Chiến dịch truy quét vấp phải sự phản đối từ các đồng minh phương Tây của Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng động thái này của chính quyền Ankara nhằm dẹp bỏ các thành phần chống đối. Tuy nhiên, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ luôn khẳng định các biện pháp này là cần thiết trong bối cảnh nước này vẫn đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia.