Phát biểu tại Khoá họp 76 của Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) đang diễn ra ở New York (Mỹ), Tổng thống Erdogan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ hiện có ý định hoàn tất quá trình phê chuẩn Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu trước khi diễn ra Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khsi hậu (COP 26) vào tháng 11 tới tại Glasgow (Anh). Ông nêu rõ: "Tại phiên họp của ĐHĐ LHQ, tôi muốn thông báo với toàn thế giới về quyết định mà chúng tôi đã đưa ra theo tiến độ đạt được trong khuôn khổ thỏa thuận. Chúng tôi dự kiến trình Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu để Quốc hội thông qua vào tháng tới".
Cũng trong phát biểu của mình, Tổng thống Erdogan nhấn mạnh Trái Đất là ngôi nhà của hàng triệu loài sinh vật và “chỉ mong chúng ta tôn trọng sự cân bằng của tự nhiên để đáp lại sự hào phóng đó”. Ông cũng cho rằng quốc gia gây ô nhiễm lớn nhất thế giới "cũng nên đóng góp lớn nhất vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu".
Phát biểu trên được Tổng thống Erdogan đưa ra trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ trong suốt 1 năm qua phải đối mặt với nhiều thiên tai như cháy rừng và lũ quét, vốn cướp đi sinh mạng của khoảng 100 người. Trước đó, hồi tháng 4/2016, Thổ Nhĩ Kỳ đã ký Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu mang tính bước ngoặt nhằm cắt giảm lượng khí thải gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu. Tuy nhiên, tới nay Quốc hội nước này vẫn chưa tiến hành bỏ phiếu để thông qua văn kiện trên.
Cũng trong cuộc họp, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thông báo nước này sẽ ngừng tài trợ cho các dự án than đá ở nước ngoài, qua đó chấm dứt hoạt động tài trợ công cho nguồn năng lượng "bẩn" góp phần gây ra cuộc khủng hoảng khí hậu. Ông tuyên bố sẽ đẩy nhanh các nỗ lực để Trung Quốc, quốc gia phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới, tiến tới trung hòa carbon vào năm 2060.
Theo ông, điều này “đòi hỏi sự làm việc chăm chỉ và chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để đạt được những mục tiêu này". Ông nêu rõ: “Trung Quốc sẽ đẩy mạnh hỗ trợ các nước đang phát triển khác trong việc phát triển năng lượng xanh và carbon thấp, đồng thời sẽ không xây dựng các dự án nhiệt điện than mới ở nước ngoài”.
Tuyên bố trên được đưa ra sau các động thái tương tự của Hàn Quốc và Nhật Bản, hai quốc gia duy nhất khác cung cấp nguồn vốn đáng kể cho các dự án than đá. Bà Helen Mountford, Phó Chủ tịch phụ trách vấn đề khí hậu và kinh tế tại Viện Tài nguyên thế giới, đánh giá tuyên bố của Chủ tịch Tập Cận Bình là "một bước ngoặt lịch sử đối với loại nhiên liệu hóa thạch bẩn nhất thế giới”. Tuy nhiên, bà cho rằng các nhà đầu tư tư nhân cần thực hiện các cam kết tương tự.