Trả lời báo giới, Tổng thống Erdogan nhấn mạnh cần phải chấp nhận thực tế là trong khu vực, Thổ Nhĩ Kỳ cần Israel và ngược lại. Ông cho rằng tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước sẽ diễn ra nếu như các bước được thực hiện dựa trên sự chân thành.
Thổ Nhĩ Kỳ từng là đồng minh chủ chốt của Israel trong khu vực cho đến khi quan hệ rạn nứt sau vụ lính đặc công Israel tấn công tàu cứu trợ Mavi Marmara của Thổ Nhĩ Kỳ trên đường tới Gaza làm nhiều người thiệt mạng vào năm 2010. Sự việc này buộc hai nước phải rút đại sứ về nước và Tổng thống Erdogan đã đưa ra 3 điều kiện đối với Israel để đổi lấy sự bình thường hóa quan hệ gồm: dỡ bỏ phong tỏa Dải Gaza, bồi thường cho các nạn nhân trong vụ tàu Mavi Marmara và xin lỗi về vụ việc này.
Chấp thuận đòi hỏi trên của Ankara, hồi năm 2013, Israel đã đưa ra lời xin lỗi chính thức về vụ việc, đồng thời tuyên bố sẽ bồi thường cho các nạn nhân. Tuy nhiên, yêu cầu dỡ bỏ phong tỏa Dải Gaza vẫn tiếp tục là chủ đề tranh cãi. Sau đó, các nỗ lực khôi phục quan hệ rơi vào bế tắc khi Israel tiến hành chiến dịch tấn công Dải Gaza năm 2014. Tới trung tuần tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đề cập việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước và nhấn mạnh điều này sẽ đem lại lợi ích cho toàn khu vực Trung Đông.
Theo giới phân tích, việc Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách thúc đẩy bình thường hóa quan hệ giữa hai nước cho thấy Ankara ngày càng cần Israel trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ leo thang sau vụ Ankara bắn hạ máy bay chiến đấu Su-24 của Moskva. Trong khi đó, phía Israel cũng cần quan hệ tốt đẹp hơn với Thổ Nhĩ Kỳ, qua đó muốn Ankara ngăn chặn các lãnh đạo cấp cao phong trào Hamas Salah Aruri vào Thổ Nhĩ Kỳ nhằm triển khai các cuộc tấn công Israel ở Bờ Tây.