Theo nhật báo SABAH, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 16/12 đã tổ chức một buổi lễ được chờ đợi từ lâu để đánh dấu sự gia tăng công suất tại cơ sở lưu trữ khí đốt tự nhiên dưới lòng đất đầu tiên của họ, với các quan chức nước này cho biết sẽ biến nó thành địa điểm lưu trữ lớn nhất ở châu Âu.
Thổ Nhĩ Kỳ đã lấp đầy các kho chứa khí đốt trong năm nay khi quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu này tìm cách đảm bảo nguồn cung năng lượng trước mùa đông và đối phó với giá năng lượng tăng vọt sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Việc tăng công suất sẽ cho phép lưu trữ 4,6 tỷ mét khối (bcm) khí đốt tại Cơ sở lưu trữ khí đốt tự nhiên Silivri, tăng so với công suất trước đó là 3,2 tỷ mét khối. Công suất rút nhiên liệu hàng ngày của kho lưu trữ cũng tăng từ 28 triệu mét khối (mcm) lên 75 mcm.
“Điều này đã biến Silivri trở thành cơ sở lưu trữ khí đốt ngầm lớn nhất ở châu Âu", Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan cho biết trong bài phát biểu tại buổi lễ. Ông Erdoğan nói thêm: “Cơ sở của chúng tôi có thể tự đáp ứng một phần tư nhu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ, ngay cả trong giai đoạn căng thẳng".
Trong khi đó, ông Erdoğan cũng cho biết Ankara và Moskva đang thực hiện các bước cần thiết để biến Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một trung tâm năng lượng.
Tuyên bố này được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin nhắc lại kế hoạch xây dựng một “trung tâm khí đốt” mới của Moskva ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Putin cho biết giá bán cho châu Âu được xác định bằng cách sử dụng một "hệ thống điện tử" sẽ được thiết lập tại trung tâm.
Vào tháng 10, nhà lãnh đạo Nga đã đưa ra ý tưởng thành lập một "trung tâm khí đốt" ở Thổ Nhĩ Kỳ sau các vụ nổ bí ẩn làm hư hại các đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Phương Bắc (Nord Stream) của Nga dưới Biển Baltic và khiến nước này ngừng bán khí đốt trực tiếp cho Đức.
Doanh số bán năng lượng của Nga cho EU đã giảm mạnh kể từ khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra, khi EU chuyển sang cắt giảm sự phụ thuộc vào Moskva. Nga đã cung cấp 40% lượng khí đốt của EU cho đến trước ngày Moskva thực hiện chiến dịch quân sự nhằm vào Kiev ngày 24/2.
Kể từ đó, phương Tây đã đưa ra các biện pháp trừng phạt sâu rộng, bao gồm cả dầu mỏ và khí đốt của Nga, cắt giảm mua nhiên liệu có nguồn gốc từ Nga và tìm kiếm các giải pháp thay thế.
Theo ông Putin, một trung tâm có thể được thiết lập ở Thổ Nhĩ Kỳ tương đối nhanh chóng và dự đoán các khách hàng ở châu Âu sẽ ký hợp đồng.
Ông Erdoğan ủng hộ ý tưởng của Tổng thống Putin và cả hai nhà lãnh đạo đã chỉ đạo các cơ quan chức năng làm việc theo một lộ trình có thể được công bố vào tháng này.
Tổng thống Erdoğan cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi là biến Thổ Nhĩ Kỳ thành một trung tâm toàn cầu, nơi giá khí đốt tự nhiên tham chiếu được hình thành càng sớm càng tốt". Ông Erdoğan đã chỉ định vùng Thrace của Thổ Nhĩ Kỳ, giáp với Hy Lạp và Bulgaria, là địa điểm tốt nhất để đặt trung tâm mới được đề xuất.