Thói quen ăn uống thay đổi thời đại dịch COVID-19

Trong bối cảnh người dân thế giới được khuyến cáo nên ở nhà để phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nhiều người đã hình thành thói quen mua sắm, ăn uống lành mạnh hơn khi tích cực mua thêm rau củ quả tươi thay vì mua đồ ăn sẵn.

Đây là kết quả thăm dò sơ bộ được tiến hành đối với gần 11.000 "tín đồ" mua sắm tại 11 nước trên thế giới gồm Australia, Bỉ, Chile, Uganda, Hà Lan, Pháp, Áo, Hy Lạp, Canada, Brazil và Ireland.

Ông Charlotte De Backer, người chủ trì nhóm nghiên cứu FOOMS về thực phẩm và truyền thông tại Đại học Antwerp (Bỉ) cho biết trong thời gian giãn cách xã hội, người dân hình thành thói quen ăn uống lành mạnh hơn, tự nấu ăn và ăn nhiều rau củ quả hơn. Trong khi tạm xa văn phòng, công sở và chuyển sang nấu ăn tại nhà, nhiều người tại tất cả 11 nước kể trên đã nói "không" với các món ăn kiểu hâm nóng bằng lò vi sóng.

Chú thích ảnh
Một quầy bán rau củ quả tại siêu thị ở Gerpinnes, Bỉ, ngày 6/5/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại gần 50% số nước được thăm dò, nhiều người được hỏi trả lời rằng họ mua ít hơn đồ ăn vặt hơn dù nhìn chung tổng doanh số vẫn ổn định. Ông De Backer giải thích khi rơi vào trạng thái căng thẳng, con người thường tiêu thụ nhiều đồ ăn ngọt, béo hay mặn. Tuy nhiên, những món ăn vặt được làm tại nhà đã "thế chỗ", giúp thỏa mãn cơn thèm ăn trong thời đại dịch COVID-19 hoành hành. Chẳng hạn, doanh số bán đồ ăn vặt tại Chile giảm mạnh, song doanh số bán men và bột mì lại tăng mạnh nhất. Trong khi đó, việc tiêu thụ các sản phẩm thịt, cá và đồ uống có cồn vẫn ổn định.

Theo nhà nghiên cứu De Backer, nguyên nhân người dân chuyển sang mua thêm nhiều rau củ quả hơn trong thời đại dịch có thể là do mối lo ngại về sức khỏe gia tăng. Những người tham gia cuộc thăm dò, đa số là phụ nữ, cũng thử nhiều công thức nấu ăn mới trong giai đoạn này và tận dụng những đồ ăn thừa cũng như giảm lượng thực phẩm bị lãng phí. Ông De Backer cho rằng thái độ của người tiêu dùng thay đổi do lo ngại thiếu thực phẩm khi nguồn cung bị gián đoạn bởi dịch bệnh, nhưng khả năng sẽ trở lại thói quen cũ khi những kệ trong siêu thị lại chất đầy hàng như trước đây. Tuy nhiên, một số thói quen ăn uống khả năng sẽ duy trì lâu hơn bởi nhiều nước kéo dài lệnh phong tỏa hơn 6 tuần - thời gian đủ để người dân hình thành một thói quen mới. 

Cuộc thăm dò ý kiến được tiến hành trên mạng từ ngày 17/4 – 7/5 dựa trên tinh thần tự nguyện. Trong đó, 6.700 người sinh sống tại Bỉ tham gia cuộc thăm dò. Nghiên cứu sẽ được mở rộng sang khoảng 25 nước khác và kết quả cuối cùng sẽ được công bố vào cuối tháng 6 tới. Theo ông De Backer, xu hướng rõ rệt về thói quen sinh hoạt trên khả năng sẽ không thay đổi ngay cả khi dữ liệu mới được thu thập.

Nguyễn Hằng (TTXVN)
Người Trung Quốc thay đổi thói quen chi tiêu vì dịch COVID-19
Người Trung Quốc thay đổi thói quen chi tiêu vì dịch COVID-19

Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát ở Trung Quốc, Emma Wang đã tiết kiệm được một khoản tiền mà cô dự định dành riêng cho việc du lịch nhưng không thể thực hiện vì các quy định giãn cách xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN