Theo tờ El Pais, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã trở lại Nhà Trắng hôm 1/7 sau chuỗi ngày khó khăn: một tuần ở Trại David chuẩn bị cho cuộc tranh luận với đối thủ Donald Trump hôm 27/6; đêm trọng đại ở Atlanta, nơi cuối cùng lại trở thành một trong những khoảnh khắc tệ nhất trong sự nghiệp chính trị của ông; một cuộc mít tinh sôi nổi ở Bắc Carolina; các sự kiện bầu cử ở New York, New Jersey; và cuối tuần trở lại Trại David để tham gia một buổi họp đã được lên lịch từ lâu với nhiếp ảnh gia Annie Leibovitz.
Tất cả những hoạt động này là một phần trong chiến dịch của ông Biden nhằm thể hiện rằng lịch làm việc của ông vẫn diễn ra bình thường, xóa đi ấn tượng không mấy khả quan sau màn tranh luận đầu tiên với ông Trump.
Sau cuộc tranh luận hôm 27/6, các phương tiện truyền thông chính thống ở Mỹ đã đặt ra câu hỏi liệu ông Biden có nên tiếp tục là ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ hay không.
Đáp lại, ông Biden không sẵn sàng rời đường đua, và đang cố gắng thuyết phục cử tri rằng quyết tâm ở lại Nhà Trắng không xuất phát từ sự bốc đồng cá nhân, và rằng ông có khả năng đánh bại đối thủ tại cuộc bầu cử, cũng như hoàn thành tốt nhiệm kỳ thứ hai, thời điểm ông sẽ 86 tuổi.
Để phục vụ cho chiến dịch quan hệ công chúng này, ông Biden đã kêu gọi những nhân vật có ảnh hưởng của Đảng Dân chủ xuất hiện trên nhiều chương trình truyền hình khác nhau để công khai bày tỏ ủng hộ ông. Các thông điệp ủng hộ cũng được đưa lên mạng xã hội, với việc cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton và cựu Tổng thống Barack Obama đều có các bài đăng. Theo Axios, các thông điệp ủng hộ của cả hai đều do chiến dịch tranh cử của Tổng thống Biden sắp xếp.
Nhiều nghị sĩ đảng Dân chủ cũng đã lên tiếng bảo vệ ông Biden. Cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cuối tuần trước nói rằng, thật không công bằng khi “rút ngắn nhiệm kỳ tổng thống xuống còn 90 phút tranh luận”. Theo Hạ nghị sĩ Nam Carolina James Clyburn, Tổng thống Biden có thể đã không thể hiện tốt hôm 27/6, nhưng viễn cảnh ông Trump trở lại Nhà Trắng còn tệ hơn nhiều. Thượng nghị sĩ Delaware, Chris Coons kêu gọi cử tri hiểu rằng bất kỳ ai cũng có thể có một buổi chiều tồi tệ, trong khi Thống đốc bang Maryland, Wes Moore cho rằng thật vô lý khi nghĩ đến việc thay đổi ứng cử viên vào thời điểm này.
Cuối tuần qua, chiến dịch tái tranh cử của ông Biden – đã huy động được 33 triệu USD kể từ sau cuộc tranh luận, bất chấp những lo ngại của một số nhà tài trợ quyền lực – cũng đã nỗ lực kiểm soát thiệt hại bằng cách liên hệ trực tiếp với cử tri. Thông điệp đưa ra là ông Biden sẽ không rút lui.
“Ông Biden sẽ trở thành ứng cử viên của Đảng Dân chủ. Chấm dứt câu chuyện”, một trong những email của đội ngũ tranh cử viết. “Nếu ông bỏ ngang, điều đó sẽ dẫn đến nhiều tuần hỗn loạn, tranh giành nội bộ và một loạt ứng cử viên ‘khập khiễng’ lao vào một cuộc chiến khốc liệt trên sàn đại hội [toàn quốc đảng Dân chủ], trong khi Donald Trump có thời gian để nói chuyện với cử tri Mỹ mà không lo bị cạnh tranh”.
Có thể thấy, có yếu tố thực dụng trong chiến lược phòng thủ này: việc thay đổi một ứng cử viên vào thời điểm này gần như chưa từng có tiền lệ và không có gì đảm bảo rằng động thái đó sẽ thành công.
Đội ngũ của ông Biden cũng đáp lại những lời chỉ trích chống lại nhóm đã giúp tổng thống chuẩn bị cho cuộc tranh luận ở Atlanta – một nỗ lực được dẫn đầu bởi Ron Klain, một trong những đồng minh kỳ cựu và thân cận nhất của tổng thống. Klain bị chỉ trích là không biết cách "đọc vị" trận đấu mà ông Biden đang đối mặt. Theo báo chí Mỹ, ông Biden đã gọi điện cho Klain để nói rõ rằng cả tổng thống và gia đình đều không đổ lỗi cho ông về thất bại.
Ron Klain sẽ một lần nữa cố vấn cho ông Biden trong cuộc tranh luận thứ hai, dự kiến diễn ra vào ngày 10/9 tại trường quay đài ABC. Cho đến lúc đó, chiến lược của ông Biden là xuất hiện tại nhiều sự kiện công cộng hơn và có bài phát biểu đáng nhớ tại Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ ở Chicago vào cuối tháng 8. Tổng thống Mỹ đương nhiệm cũng có kế hoạch xuất hiện nhiều hơn trên các phương tiện truyền thông, điều mà ông đã không thể hiện nhiều trong nhiệm kỳ của mình.