Vụ tấn công gây rúng động tại Dagestan
Nhiều tay súng đã tiến hành các cuộc tấn công gần như đồng loạt vào ngày 23/6 nhằm vào một giáo đường Do Thái, hai nhà thờ Chính thống giáo và một đồn cảnh sát ở thành phố Makhachkala và thành phố ven biển Derbent thuộc Cộng hòa Dagestan, vùng Bắc Caucasus của Nga khiến 21 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương.
Chưa có tổ chức nào lên tiếng nhận thực hiện loạt vụ tấn công này. Ủy ban Điều tra Nga đã mở cuộc điều tra hình sự về "hành vi khủng bố" liên quan đến các vụ tấn công. Chúng xảy ra chưa đầy 3 tháng sau khi nhóm tay súng xông vào tấn công phòng hòa nhạc trong trung tâm mua sắm và biểu diễn nghệ thuât Crocus City Hall ở thủ đô Moskva khiến 145 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.
Các quan chức địa phương cho rằng những kẻ tấn công tại Dagestan có ý định kích động bạo lực ở khu vực có đa số người dân theo đạo Hồi nhưng đa dạng về sắc tộc và tôn giáo, nơi vốn phải vật lộn với chủ nghĩa cực đoan trong thời gian gần đây. Ngày 23/6 trùng với ngày lễ tôn giáo của Giáo hội Chính thống giáo Nga, được gọi là Lễ Ngũ tuần.
Ông Sergei Melikov, người đứng đầu Cộng hòa Dagestan, trong một bài đăng trên mạng xã hội sau vụ việc đã nhấn mạnh: “Đây là nỗ lực nhằm chia cắt đoàn kết của chúng ta”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi lời chia buồn tới tất cả những người bị ảnh hưởng bởi thảm kịch. Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov bác bỏ lo ngại rằng những diễn biến mới ở Dagestan báo hiệu sự quay trở lại của làn sóng bạo lực từng hoành hành Nga vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, khi các tay súng Hồi giáo từ khu vực Bắc Caucasus thường xuyên khủng bố người dân thường.
Ngày 24/6, ông Peskov khẳng định: "Nga bây giờ đã khác, xã hội hoàn toàn được củng cố. Và những biểu hiện tội phạm khủng bố như chúng ta đã thấy ở Dagestan ngày hôm qua không được xã hội ủng hộ, cả ở Nga nói chung hay ở Dagestan”.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) đã ra thông cáo báo chí vào ngày 26/6 lên án "bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất" vụ tấn công khủng bố ở Dagestan.
Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Đại Liên 2024
Ngày 25/6, Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Đại Liên 2024 đã khai mạc ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Đông Bắc Trung Quốc.
Hội nghị năm nay được tổ chức từ ngày 25-27/6 với chủ đề "Những chân trời tăng trưởng mới". Hội nghị WEF Đại Liên 2024 thu hút sự tham dự đông đảo nhất trong số 15 lần hội nghị được tổ chức tại Trung Quốc với hơn 1.700 đại biểu đến từ 80 quốc gia, tổ chức quốc tế, học giả, các tập đoàn đa quốc gia và các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của WEF.
Hội nghị năm nay thảo luận một trong những mối quan tâm hàng đầu của các chính phủ, các tổ chức quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp, đó là vượt qua những giới hạn để tăng trưởng, tìm kiếm những con đường, mô hình tăng trưởng mới và tận dụng những tiềm năng và cơ hội phát triển mới trong bối cảnh kinh tế thế giới đang trải qua những chuyển biến sâu sắc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng tham dự Hội nghị và có bài phát biểu tại sự kiện này. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cùng nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab chủ trì Phiên Đối thoại với lãnh đạo các tập đoàn lớn của WEF; chủ trì Tọa đàm với doanh nghiệp đối mới sáng tạo của WEF.
Tại WEF Đại Liên 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đóng góp thảo luận vào các vấn đề toàn cầu; đồng thời chia sẻ câu chuyện thành công của Việt Nam sau 40 năm đổi mới; truyền cảm hứng về đổi mới, hội nhập và phát triển của Việt Nam; kêu gọi cộng đồng quốc tế đoàn kết, cùng phát triển, nhất là trong các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, hướng tới “Những chân trời tăng trưởng mới”.
Giáo sư Klaus Schwab cho rằng, sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu Việt Nam nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế, không chỉ bởi Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất mà còn là nền kinh tế đang chuyển đổi nhanh chóng trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Đối với hoạt động song phương với Trung Quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có các cuộc hội đàm, hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình; Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Cường; Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc Vương Hộ Ninh.
Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030 góp phần làm sâu sắc quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược; và quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và WEF.
Đảo chính “chóng tàn” tại Bolivia
Tổng thống Bolivia Luis Arce đã đương đầu với một âm mưu đảo chính vào ngày 26/6. Tướng quân đội Juan Jose Zuniga bị bắt, vài giờ sau khi ông dẫn binh sĩ và xe bọc théo xông vào Phủ tổng thống ở thủ đô La Paz. Tổng thống Arce thuộc đảng Phong trào tiến lên Chủ nghĩa Xã hội (MAS) gọi đây là một chiến thắng cho nền dân chủ của Bolivia.
Chiều 26/6, binh sĩ cùng xe bọc thép tiến vào Plaza Murillo, một quảng trường lịch sử ở thủ đô La Paz, nơi đặt Phủ Tổng thống và Quốc hội. Một trong tám chiếc xe bọc thép đã lao vào cửa Phủ Tổng thống Bolivia.
Tổng thống Luis Arce không nao núng, ông cam kết giữ vững lập trường. Truyền hình Bolivia đã chiếu cảnh Tổng thống Arce đối đầu với thủ lĩnh của cuộc đảo chính tại hành lang của Phủ Tổng thống (video dưới, nguồn: Reuters). Ông Arce cương nghị nói: “Tôi là chỉ huy của ông. Và tôi ra lệnh cho ông rút quân. Tôi sẽ không cho phép tình trạng bất tuân này”.
Tổng thống Arce đã chỉ định một chỉ huy quân đội mới, người đã ra lệnh cho binh sĩ rút lui. Sau khi binh sĩ rút lui, hàng trăm người ủng hộ Tổng thống Arce đã tiến đến quảng trường bên ngoài Phủ Tổng thống, vẫy cờ Bolivia, hát quốc ca và cổ vũ.
Cuộc đảo chính kéo dài khoảng năm tiếng đồng hồ. Ngày 28/6, Văn phòng Công tố viên La Paz đã ra cáo trạng buộc tội “nổi dậy có vũ trang và khủng bố” đối với cựu Tổng tư lệnh quân đội Bolivia Juan Jose Zuniga, cũng như các tư lệnh Tư lệnh Lục quân, Hải quân và Không quân, những người đã tham gia vào một âm mưu đảo chính bất thành.
Cộng đồng quốc tế đã lên án cuộc đảo chính. Trong đó, nhiều lãnh đạo thế giới gọi hành động của quân đội Bolivia là bất hợp pháp. Lãnh đạo Chile, Ecuador, Peru, Mexico, Colombia và Venezuela lên án vụ đảo chính đồng thời ủng hộ việc bảo tồn nền dân chủ. Ngày 27/6, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres đã bày tỏ lo ngại sâu sắc trước thông tin về âm mưu đảo chính quân sự ở Bolivia và kêu gọi bảo vệ trật tự hiến pháp ở quốc gia này.
Ông Zuniga từng cáo buộc chính phủ của Tổng thống Arce khiến đất nước nghèo đi. Tổng thống Arce vốn đã phải nỗ lực giải quyết những khó khăn kinh tế mà đất nước 12 triệu dân này đang đối mặt.
Khi đảm nhận chức vụ tổng thống, ông Arce mô tả cuộc suy thoái của Bolivia là tồi tệ nhất trong 40 năm. Gần đây, ông cho biết sản xuất xăng và dầu diesel không còn đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước, khiến Bolivia phải nhập khẩu 86% lượng dầu diesel và 56% lượng xăng do thiếu hoạt động thăm dò và sản xuất. Các hộ gia đình cũng buộc phải vật lộn với giá lương thực cao. Ông Arce đã phải gắng sức để quản lý tình trạng thiếu USD, vốn gây căng thẳng cho nền kinh tế.
Tranh luận trực tiếp
Tổng thống Joe Biden và người tiền nhiệm Donald Trump vào ngày 27/6 đã tham gia cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên tại thành phố Atlanta, bang Georgia ngày 27/6. Cuộc tranh luận kéo dài 90 phút với hai ứng cử viên trả lời các câu hỏi về nền kinh tế, việc phá thai, tình hình Trung Đông, vụ tấn công vào Điện Capitol ngày 6/1/2021...
Kênh CNN tổ chức cuộc tranh luận với người dẫn chương trình Jake Tapper và Dana Bash là người điều hành. Micrô của mỗi ứng cử viên đều bị tắt tiếng khi không đến lượt họ phát biểu và không có khán giả tại trường quay.
Buổi tranh luận trực tiếp này là sự kiện quan trọng đối với cả ứng cử viên đảng Cộng hòa Trump và đối thủ đảng Dân chủ Biden, khi họ tìm cách đẩy mạnh những tầm nhìn khác nhau về nước Mỹ.
Ông Trump ám chỉ đất nước suy tàn dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Biden. Trong khi đó, Tổng thống Biden lại tìm cách bảo vệ vị thế của Mỹ trên thế giới.
Ông Biden nói: “Thế giới ghen tị với chúng ta. Hãy kể tên cho tôi một quốc gia lớn không muốn hoán đổi vị trí với Mỹ. Không ai nghĩ chúng ta yếu đuối. Không ai muốn dây dưa với chúng ta cả. Không ai”.
Tuy nhiên, cựu Tổng thống Trump phản pháo lại: “Ông Joe, đất nước của chúng ta đang bị hủy diệt khi ông và tôi ngồi đây và lãng phí nhiều thời gian cho cuộc tranh luận này”.
Trước thềm cuộc tranh luận, các cuộc thăm dò cử tri cho thấy ông Trump và đối thủ Biden đang trong một cuộc đua sít sao, mặc dù ứng cử viên đảng Cộng hòa dường như đang dẫn trước. Một cuộc khảo sát từ The New York Times và Siena College, được công bố trước cuộc tranh luận, cho thấy ông Trump nhận được gần 48% sự ủng hộ của cử tri được hỏi, trong khi ông Biden nhận khoảng 44%.
Số liệu sơ bộ của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen cho thấy có 47,9 triệu khán giả truyền hình theo dõi cuộc tranh luận vào tối 27/6.