Kêu gọi Hành động Durban nhấn mạnh sự cần thiết phải hành động khẩn cấp, bởi vì “hậu quả của đại dịch COVID-19, xung đột vũ trang và các cuộc khủng hoảng lương thực, nhân đạo và môi trường đe dọa đảo ngược nhiều năm tiến bộ chống lại lao động trẻ em”.
Văn bản dài 11 trang bao gồm các cam kết trong 6 lĩnh vực khác nhau, bao gồm: (1) Biến việc làm tử tế trở thành hiện thực đối với người lớn và thanh niên trên độ tuổi tối thiểu đi làm bằng cách thúc đẩy các nỗ lực của nhiều bên liên quan nhằm xóa bỏ lao động trẻ em, trong đó ưu tiên các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất; (2) Chấm dứt lao động trẻ em trong nông nghiệp; (3) Tăng cường phòng ngừa và xóa bỏ lao động trẻ em, bao gồm cả các hình thức tồi tệ nhất, lao động cưỡng bức, nô lệ hiện đại và buôn bán người, đồng thời bảo vệ các nạn nhân sống sót thông qua chính sách dựa trên dữ liệu và thông tin cho người sống sót và các phản ứng có chương trình; (4) Thực hiện quyền được giáo dục của trẻ em và đảm bảo phổ cập tiếp cận giáo dục và đào tạo miễn phí, bắt buộc, có chất lượng, bình đẳng và hòa nhập; (5) Tiếp cận phổ cập bảo trợ xã hội; (6) Tăng cường tài trợ và hợp tác quốc tế để xóa bỏ lao động trẻ em và lao động cưỡng bức.
Tại hội nghị được tổ chức từ ngày 15-20/5, hơn 1.000 đại biểu từ các chính phủ, tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động, các cơ quan của Liên hợp quốc, xã hội dân sự và các tổ chức khu vực đã tham dự các phiên thảo luận toàn thể và chuyên đề, tập trung vào nhiều vấn đề khác nhau liên quan đến lao động trẻ em, từ nông nghiệp và biến đổi khí hậu đến giáo dục và chuỗi cung ứng toàn cầu - với trọng tâm là cách các yếu tố này đóng góp vào lao động trẻ em. Ngoài ra, khoảng 7.000 người cũng tham gia hội nghị dưới hình thức trực tuyến.
Đây là hội nghị đầu tiên trong số các hội nghị về lao động trẻ em toàn cầu được tổ chức tại châu Phi. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử diễn đàn toàn cầu này có sự tham gia của các đại biểu trẻ em, những thành viên đã nêu rõ kỳ vọng rằng các nhà hoạch định chính sách cần tăng cường nỗ lực và đẩy nhanh tiến độ.
Theo thống kê mới nhất của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) được công bố vào năm 2020, ít nhất 160 triệu trẻ em hiện đang tham gia lao động trẻ em, tăng 8,4 triệu chỉ trong vòng 4 năm.
Phát biểu tại lễ bế mạc, Phó Chủ tịch Tổ chức Quốc tế về Người sử dụng lao động khu vực châu Phi, Jacqueline Mugo, cho biết Kêu gọi Hành động Durban là một kế hoạch hành động toàn diện và các nhà tuyển dụng hoàn toàn ủng hộ kế hoạch này”.
Bà Mugo tuyên bố: “Tất cả khối óc và con tim của chúng tôi đặt vào mục tiêu đưa lời kêu gọi mang tính bước ngoặt này được thông qua. Trẻ em của thế giới chúng ta không được thất vọng. Việc thực hiện lời kêu gọi Durban này phần lớn sẽ là công việc của một người con châu Phi, người sẽ nắm quyền lãnh đạo ILO vào cuối năm nay, vì vậy chúng tôi không có lý do gì để thất bại. Chúng tôi cam kết làm việc để thực hiện đầy đủ”.
Bộ trưởng Bộ Việc làm và Lao động Nam Phi, Thulas Nxesi, đã kêu gọi các quốc gia thực hiện các kế hoạch hành động để thực hiện Kêu gọi Hành động Durban.
Ông cho biết: “Thông điệp rất rõ ràng, các chính phủ phải thông qua luật lệ cần thiết, các chính phủ và doanh nghiệp (phải) chấp nhận rằng chúng ta cần một sự thay đổi cơ cấu của nền kinh tế, nó không chỉ vì lợi nhuận mà còn phải vì con người”.
Theo bà Martha Newton, Phó Tổng Giám đốc ILO về Chính sách, Kêu gọi Hành động Durban là phương tiện quan trọng để đạt được xóa bỏ lao động trẻ em. Bà cho biết: “Sau các cuộc tham vấn khu vực và thế giới vào năm ngoái, một loạt lĩnh vực chủ đề chung đã xuất hiện, bao gồm giáo dục, bảo trợ xã hội, nghèo đói và phi chính thức”.
Thách thức chung tiếp theo của nhóm là thực hiện kêu gọi này. Một số nhà hoạt động và nạn nhân lao động trẻ em đã chia sẻ tại hội nghị trọng tâm chống lao động trẻ em nên tập trung vào giáo dục, xóa bỏ tham nhũng và lắng nghe tiếng nói của trẻ em.
Kêu gọi Hành động Durban được đưa ra khi chỉ còn 3 năm để đạt được mục tiêu xóa bỏ tất cả lao động trẻ em vào năm 2025 và chỉ còn 8 năm để xóa bỏ lao động cưỡng bức vào năm 2030, như được nêu trong Mục tiêu 8.7 của Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc. Bốn hội nghị toàn cầu trước đó đã được tổ chức tại Buenos Aires (2017), Brasilia (2013), The Hague (2010) và Oslo (1997).