Các chuyên gia thuộc Viện Khoa học Hàng hải Australia (AIMS) và Đại học Tây Australia (UWA) đã xác định các chu kỳ san hô dần phục hồi về số lượng sau khi bị sụt giảm do tẩy trắng.
Tẩy trắng là hiện tượng xảy ra khi nhiệt độ nước biển tăng cao, khiến san hô đẩy tảo sống cộng sinh trong mô của chúng ra ngoài. Quá trình này khiến màu sắc rực rỡ của san hô biến mất, chỉ còn lại duy nhất màu trắng. Theo AIMS, hiện tượng tẩy trắng kéo dài hoặc quá mức có thể khiến san hô chết đi.
Tuy nhiên, sau khi thu thập dữ liệu tại Rạn san hô Scott ở Biển Timor giữa Australia và Indonesia trong suốt 30 năm, các nhà khoa học AIMS nhận thấy san hô có thể phục hồi hoàn toàn sau các đợt tẩy trắng.
Hệ thống rạn san hô là một trong những hệ sinh thái đa dạng sinh học nhất trên Trái Đất, chiếm chưa đến 0,1% diện tích đại dương trên thế giới, nhưng lại hỗ trợ 25% sự sống trong đại dương.
Ông Luke Thomas - nhà khoa học về san hô của AIMS, cho biết những phát hiện nói trên mang lại hy vọng cho các rạn san hô, bao gồm cả rạn san hô Great Barrier.
Hồi tháng trước, Cơ quan quản lý Công viên biển Rạn san hô Great Barrier và AIMS đã xác nhận Great Barrier - rạn san hô lớn nhất thế giới và là Di sản Thế giới được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận - đang trải qua hiện tượng tẩy trắng hàng loạt lần thứ 5 trong 8 năm qua, do hậu quả của tình trạng ô nhiễm, sự ấm lên toàn cầu và các mô hình khí hậu.
Mặc dù vậy, ông Thomas nhấn mạnh cần kiềm chế hiện tượng biến đổi khí hậu. Tuy san hô có thể phục hồi sau quá trình tẩy trắng, nhưng chúng sẽ không có đủ thời gian để làm điều này do biến đổi khí hậu đang tiến dần đến điểm tới hạn. Ông cảnh báo: “Nếu tình trạng xáo trộn tái diễn và san hô không thể phục hồi, các hệ sinh thái này sẽ sụp đổ”.
Nghiên cứu trên của các nhà khoa học Australia là một trong những nghiên cứu giám sát san hô chi tiết nhất từng được thực hiện trên thế giới.