Thông tin về 'kế hoạch B' của Thủ tướng Theresa May

Thủ tướng Anh Theresa May đang cân nhắc sửa đổi thỏa thuận Thứ Sáu tốt lành (Good Friday) ký năm 1998 vốn giúp chấm dứt tình trạng bạo lực kéo dài 30 năm tại vùng Bắc Ireland để tìm ra một lối thoát cho tiến trình đưa Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) đang bế tắc.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Anh Theresa May. Ảnh: THX/TTXVN

Đây là thông tin mới nhất được truyền thông "xứ sương mù" đăng chiều 20/1.

Theo thỏa thuận Thứ Sáu tốt lành, các điểm kiểm tra biên giới giữa hai vùng trên đảo Ireland đều bị dỡ bỏ và vùng Bắc Ireland được điều hành theo cấu trúc chia sẻ quyền lực giữa phe ủng hộ CH Ireland và phe ủng hộ Vương quốc liên hiệp Anh với cơ quan lập pháp có sự đại diện của cả hai phe. Thỏa thuận này đã giúp chấm dứt cuộc xung đột về vấn đề quy chế lãnh thổ của Bắc Ireland từ năm 19 tới 1998 tại vùng lãnh thổ này, vốn khiến khoảng 3.500 người thiệt mạng.

Tờ Daily Telegraph đưa tin, kế hoạch triển khai sẽ là Chính phủ Anh và CH Ireland có thể thống nhất về một loạt nguyên tắc riêng rẽ hoặc bổ sung thêm nội dung cho thỏa thuận để tìm ra cách đảm bảo một biên giới mở thời hậu Brexit.

Trong khi đó, các báo Sunday Times và Sky News đều đưa ra những nhận định rằng Chính phủ Anh muốn dùng kế hoạch này để có thể loại bỏ điều khoản "rào chắn" gây tranh cãi và giúp thỏa thuận Brexit đạt được hồi tháng 11/2018 với EU nhận được sự ủng hộ từ các đảng phái trong nước. 

Tuy nhiên, Daily Telegraph cũng dẫn các nguồn tin cấp cao châu Âu cho rằng kế hoạch này không có triển vọng thành công trong khi các nguồn tin Chính phủ Anh thì tỏ ra "bi quan" bởi khả năng cao sẽ gây ra tranh cãi và cần sự đồng thuận từ tất cả các đảng phái đại diện tại cơ quan lập pháp vùng Bắc Ireland.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cũng tỏ ra khá bi quan về kế hoạch này. Phát biểu trên kênh truyền hình ZDF, ông Maas cho biết ông chưa nắm rõ được kế hoạch này sẽ được triển khai ra sao và nội dung thỏa thuận giữa Anh và CH Ireland sẽ thế nào nhưng có một điều chắc chắn rằng kế hoạch sẽ không thể ảnh hưởng tới thỏa thuận Brexit mà Anh và EU đã thông qua.

Khả năng đàm phán lại thỏa thuận Brexit là rất thấp bởi cần có sự ủng hộ của 27 nước thành viên mà theo ông Maas rất nhiều trong số đó không sẵn sàng. Tuy nhiên, EU cũng sẽ đợi xem Chính phủ Anh có thể đưa ra những đề nghị gì bởi vẫn có một số quốc gia thành viên EU tỏ ra cởi mở hơn về vấn đề này.

Trong khi đó, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, một người ủng hộ EU, cho rằng kể cả khi EU bỏ qua quan điểm của CH Ireland và chấp thuận đàm phán lại để loại bỏ điều khoản "rào chắn" thì cũng không giúp cứu vãn thỏa thuận Brexit. 

Những thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Brexit rơi vào trạng thái mất phương hướng sau khi thỏa thuận Brexit bị Hạ viện Anh bác bỏ với số phiếu phản đối áp đảo trong cuộc bỏ phiếu hôm 15/1 vừa qua. Hầu hết các ý kiến chỉ trích nhằm vào điều khoản "rào chắn" giúp tránh thiết lập một đường biên giới cứng giữa vùng Bắc Ireland và CH Ireland.

Hiện Thủ tướng Anh đang nỗ lực cứu vãn thỏa thuận này bằng các hoạt động đàm phán liên đảng khi chỉ còn khoảng 10 tuần trước khi Brexit thực sự diễn ra vào cuối tháng 3 tới.

Các kịch bản được nhắc tới nhiều nhất lúc này là một Brexit không thỏa thuận gây nhiều thiệt hại sẽ diễn ra hoặc trưng cầu ý dân lần 2 để hủy bỏ Brexit.

Cũng có lời kêu gọi rằng Chính phủ Anh nên để Quốc hội quyết định hướng đi tiếp theo cho Brexit. Tuy nhiên, ngày 20/1, Bộ trưởng Thương mại Anh Liam Fox đưa ra lời cảnh báo với những nghị sĩ được cho là đang cố tìm cách kiểm soát tiến trình rối rắm này.

Phát biểu trên kênh truyền hình BBC, Bộ trưởng Fox nhấn mạnh thỏa thuận Brexit hiện tại có nền tảng thỏa thuận tốt nhất để thực hiện nguyện vọng của người dân Anh trong cuộc trưng cầu ý dân hồi năm 2016 về vấn đề Brexit và Quốc hội, với trách nhiệm phục vụ nhân dân, cần phải đảm bảo nguyện vọng của người dân được thực hiện.

Theo kế hoạch, Thủ tướng May trong ngày 21/1 sẽ trở lại Quốc hội để trình bày về "kế hoạch B" thay thế cho thỏa thuận đã bị Hạ viện "khước từ".

Lê Ánh  (TTXVN)
Thế giới tuần: Thủ tướng Anh ‘vượt ải’ bỏ phiếu bất tín nhiệm, Brexit vẫn lâm vào bế tắc
Thế giới tuần: Thủ tướng Anh ‘vượt ải’ bỏ phiếu bất tín nhiệm, Brexit vẫn lâm vào bế tắc

Chính phủ của Thủ tướng Anh Theresa May đối mặt với thất bại chưa từng có trong lịch sử hiện đại khi kế hoạch rời Liên minh châu Âu (Brexit) bị phủ quyết là một trong những sự kiện thế giới đáng chú ý trong tuần.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN