'Thủ phạm' khiến các mùa thay đổi trên bán đảo Triều Tiên

Biến đổi khí hậu do con người gây ra là nguyên nhân dẫn tới những thay đổi lớn về khí tượng trên bán đảo Triều Tiên trong thế kỷ qua, làm mùa hè dài hơn, mùa đông ngắn, nóng hơn, cũng như làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan, trong đó có các đợt nắng và mưa lớn. Đây là báo cáo được Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc (KMA) công bố ngày 2/5.

Chú thích ảnh
Người dân giải nhiệt tránh nóng bên một con sông ở Seoul, Hàn Quốc Ảnh: Yonhap/TTXVN

KMA cho biết đã tổng hợp báo cáo dựa trên những thay đổi khí tượng quan sát được từ 6 vị trí trên bán đảo Triều Tiên trong 109 năm (từ năm 1912-2020). Theo đó, trong 100 năm qua, số ngày mưa trên bán đảo giảm, song cường độ lại tăng lên. Nhiệt độ trung bình hằng năm trong 30 năm qua (từ năm 1991-2020) tăng 1,6 độ C, so với giai đoạn từ 1912-1940.

Báo cáo nêu rõ quá trình ấm lên toàn cầu và đô thị hóa đã diễn ra trên bán đảo Triều Tiên nhanh hơn so với tốc độ trung bình toàn cầu trong thế kỷ qua, khi mức nhiệt trung bình hằng năm và mật độ carbon dioxide (CO2) trên bán đảo tăng cao hơn lần lượt là 0,8 độ C và 6,5 ppm so với toàn bộ Trái Đất. Bán đảo cũng chứng kiến mùa hè dài hơn 20 ngày và mùa dông ngắn hơn 22 ngày khi so sánh 2 giai đoạn từ 1912-1940 và 1991-2020. Vì vậy, ngày lập xuân và lập hạ tại đây cũng nhanh hơn lần lượt là 17 ngày và 11 ngày. Trong 30 năm qua, mùa hè là mùa dài nhất, với 118 ngày và mùa thu là mùa ngắn nhất, với 69 ngày.

Báo cáo của KMA cho biết nhiệt độ trung bình hằng năm trong 109 năm qua đã tăng đều đặn 0,2 độ C sau mỗi 10 năm, và sự gia tăng nhiệt độ đặc biệt rõ ràng vào mùa xuân và mùa đông.

Nhiệt độ tăng mạnh nhất vào mùa xuân, với 0,26 độ C/10 năm, tiếp đó là mùa đông, với 0,24 độ C, mùa thu là 0,17 độ và mùa hè là 0,12 độ.

Nhiệt độ tại các thành phố và khu vực nội địa tăng cao hơn so với các vùng ven biển. Trong khi đó, lượng mưa hằng năm trong giai đoạn từ năm 1991-2020 cũng cao hơn 135,4 mm so với giai đoạn từ năm 1912-1940, trong khi số ngày mưa lại giảm 21,2 ngày.

Trong 109 năm qua, cứ 10 năm thì lượng mưa hằng năm lại tăng thêm 17,71 mm, song số ngày mưa lại giảm, cho thấy cường độ mưa tăng lên.

Không chỉ vậy, tần suất hiện tượng thời tiết cực đoan, như nắng nóng và mưa lớn, cũng gia tăng đáng kể. Số ngày nắng nóng và số ngày có hiện tượng đêm nhiệt đới (nhiệt độ thấp nhất từ lúc 18h00 chiều hôm trước đến 9h00 sáng hôm sau không xuống dưới 25 độ C) tăng tương ứng 1 và 8,4 ngày trong 30 năm qua so với giai đoạn từ năm 1912-1940. Ngược lại, số ngày lạnh và xảy ra băng giá giảm lần lượt 4,9 ngày và 7,7 ngày. Những ngày mưa như trút nước cũng tăng tới  0,6 ngày.

KMA cho rằng hiện tượng ấm lên trên toàn cầu gia tăng sẽ còn khiến tần suất các hiện tượng thời tiết cực đoan tăng hơn nữa, gây thiệt hại vô cùng to lớn.

Giới chuyên gia cho rằng báo cáo này cho thấy mức độ nghiêm trọng của khủng hoảng khí hậu và sẽ là động lực để nhà chức trách đạt được mục tiêu giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính.

Ngọc Hà (TTXVN)
Biến đổi khí hậu có thể làm kinh tế toàn cầu thiệt hại 23.000 tỷ USD vào năm 2050
Biến đổi khí hậu có thể làm kinh tế toàn cầu thiệt hại 23.000 tỷ USD vào năm 2050

Theo báo cáo được hãng bảo hiểm Swiss Re (Thụy Sỹ) công bố ngày 22/4, biến đổi khí hậu có thể gây ra những thiệt hại lên tới 23.000 tỷ USD đối với nông nghiệp, y tế và cơ sở hạ tầng vật chất, cũng như chuyển hướng chi tiêu của chính phủ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN