Thủ tướng Abe diễn giải về quyền phòng vệ tập thể

Ngày 1/7, Nhật Bản đã nới lỏng những hạn chế đối với quân đội nước này, qua đó cho phép quân đội tham chiến để bảo vệ các đồng minh. Đây là một sự thay đổi quan trọng và gây tranh cãi đối với quốc gia châu Á ủng hộ hòa bình này.

Trả lời họp báo, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nêu rõ: "Dù trong hoàn cảnh nào, tôi cũng sẽ bảo vệ sinh mạng và sự tồn tại hòa bình của nhân dân Nhật Bản. Trên cương vị thủ tướng, tôi mang trọng trách lớn lao này. Với quyết tâm trên, nội các đã thông qua chính sách nền tảng đối với an ninh quốc gia".

Trong bối cảnh xuất hiện chỉ trích rằng sự thay đổi trên sẽ lôi kéo Nhật Bản vào các cuộc xung đột quân sự ở nước ngoài như Afghanistan hay Iraq, Thủ tướng Abe khẳng định: "Có một sự hiểu lầm rằng Nhật Bản sẽ can dự vào các cuộc chiến để bảo vệ một quốc gia khác, nhưng điều này là không chấp nhận được. Nó chỉ là một biện pháp phòng vệ để bảo vệ người dân. Chúng tôi sẽ không sử dụng vũ lực để bảo vệ lực lượng nước ngoài. Sẽ không có thay đổi gì trong nguyên tắc của chúng tôi về việc không cho phép triển khai lực lượng ở nước ngoài".

Thủ tướng Nhật Bản cũng nói rằng sự phê chuẩn của Quốc hội là yếu tố bắt buộc để có thể thực thi quyền phòng vệ tập thể. Ảnh: AP


Trước đó cũng trong ngày 1/7, chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thông qua nghị quyết bãi bỏ lệnh cấm từng ngăn quân đội nước này tham chiến ở nước ngoài kể từ Chiến tranh Thế giới thứ II. Đây là một bước đi đáng chú ý tách rời chủ nghĩa hòa bình thời hậu chiến và là một chiến thắng về chính trị của vị thủ tướng bảo thủ này.

Sự thay đổi trên sẽ mở rộng đáng kể các phương án quân sự của Nhật Bản bằng việc chấm dứt lệnh cấm triển khai "phòng vệ tập thể", hoặc hỗ trợ một nước bạn khi bị tấn công. Ngoài ra, nó cũng nới lỏng những hạn chế về hoạt động trong chiến dịch gìn giữ hòa bình do LHQ đứng đầu và các sự vụ "vùng xám (tình huống khó xác định)" gần với một cuộc chiến tranh tổng lực.

Ngay sau khi chính phủ Nhật Bản đưa ra quyết định trên, khoảng 2.000 người dân đã tụ tập gần Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản ở Tokyo để phản đối kế hoạch của chính phủ thay đổi cách hiểu đối với bản Hiến pháp hoà bình và bãi bỏ những hạn chế nhất định nhằm kiểm soát vai trò của lực lượng vũ trang Nhật Bản.

Trong buổi sáng 1/7, một nhóm người đứng trước Văn phòng thủ tướng liên tục hô vang khẩu hiệu: “Hãy lắng nghe tiếng nói của người dân” và “đừng huỷ bỏ Điều 9 Hiến pháp”. Trước đó, số lượng người biểu tình trước văn phòng thủ tướng vào tối 30/6 đã lên tới khoảng 10.000 người.

Cuộc biểu tình trên diễn ra trước khi Nội các của Thủ tướng Shinzo Abe được cho là sẽ phê chuẩn quyết định thay đổi nhằm cho phép Nhật Bản thực thi quyền phòng vệ tập thể bất chấp một số ý kiến phản đối từ công chúng cho rằng Điều 9 Hiến pháp có thể sẽ bị vô hiệu hoá.


T.N (theo
AFP/Kyodo)
Liên minh cầm quyền Nhật Bản thông qua quyền phòng vệ tập thể
Liên minh cầm quyền Nhật Bản thông qua quyền phòng vệ tập thể

Các chính đảng trong liên minh cầm quyền ở Nhật Bản đã nhất trí về một sửa đổi lớn trong chính sách an ninh thời hậu chiến của nước này, qua đó cho phép thực thi quyền phòng vệ tập thể bằng cách giải thích lại bản Hiến pháp hòa bình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN