Theo phóng viên TTXVN tại London, Thủ tướng Johnson nhấn mạnh 5 năm trước, người dân Anh đã đưa ra quyết định quan trọng rời EU với tỷ lệ 52%-48%. Ông nói: "Giờ đây, khi bước vào tiến trình phục hồi sau đại dịch COVID-19, chúng ta sẽ khai thác những tiềm năng thực sự để cùng nhau đoàn kết và nâng tầm Vương quốc Anh".
Kết quả một cuộc thăm dò của công ty tư vấn nghiên cứu thị trường Savanta ComRes cho thấy nếu cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức tại thời điểm 23/6 năm nay, kết quả sẽ là 51%-49% ủng hộ việc ở lại. Nhưng khi được hỏi liệu Anh có nên tái gia nhập EU hay không, 51% không đồng ý.
Liên quan đến thỏa thuận thương mại hậu Brexit, ngày 23/6, các ngư dân Ireland đã huy động một đội khoảng 100 tàu đánh cá biểu tình trên sông Liffey ở trung tâm Dublin để phản đối hạn ngạch đánh bắt thiệt thòi hơn hầu hết các quốc gia thành viên EU khác theo thỏa thuận thương mại giữa EU và Anh. Theo đó, khoảng 1.000 người từ nhiều vùng của nước này đổ về dọc con sông chính nằm ngay tại trung tâm tài chính của Dublin.
Theo thỏa thuận thương mại hậu Brexit mà Anh và EU đạt được vào phút chót cuối năm ngoái, Ireland sẽ mất khoảng 15% hạn ngạch đánh bắt cá vào năm 2026 do chuyển giao hạn ngạch từ EU sang Anh. Phát biểu với đài phát thanh Newstalk từ cuộc biểu tình, ông Patrick Murphy, Giám đốc điều hành Hiệp hội Các nhà sản xuất cá miền Tây và Nam Ireland, cho rằng điều này không thể chấp nhận bởi sẽ nó sẽ khiến nhiều tàu đánh cá phải ngừng hoạt động.
Trước đó, ngày 22/6, Thủ tướng Michel Martin cho rằng ngành đánh cá Ireland đang chịu "thiệt thòi" theo thỏa thuận thương mại hậu Brexit và hiện nước này đang theo đuổi vấn đề này với Ủy ban châu Âu (EC). Tuy nhiên, EC cho biết Ireland đã đánh bắt cá quá hạn ngạch và châu Âu muốn lấy lại một phần hạn ngạch này.