Thủ tướng Anh Theresa May vừa đưa ra thông điệp cứng rắn về việc Anh rời EU. Ảnh: AFP/TTXVN |
Cảnh báo cứng rắn trên được xem như trực tiếp nhằm vào những nghị sĩ trong đảng Bảo thủ có đường lối thân châu Âu, vốn không che giấu ý định làm thất bại các kế hoạch của Chính phủ Anh bằng cách đứng về phía phe đối lập để đòi bằng được quyền bỏ phiếu thông qua đối với dự thảo cuối cùng của thỏa thuận Brexit giữa Anh và EU.
Thông điệp cứng rắn này được Thủ tướng May đưa ra trong một bức thư ngỏ đăng trên tờ Telegraph số ra ngày 9/11, trong bối cảnh Chính phủ Anh vừa công bố một dự luật bổ sung về Brexit theo kế hoạch sẽ được đưa ra thảo luận và bỏ phiếu tại Hạ viện Anh trong tuần tới. Dự luật này quy định chính thức về thời điểm nước Anh rời khỏi EU là vào 11 giờ đêm 29/3/2019, sớm hơn một giờ so với dự kiến trước đó.
Dự luật này cũng yêu cầu các nghị sĩ có quan điểm thân châu Âu phải công khai tuyên bố việc họ có phản đối nước Anh rời khỏi EU vào thời điểm ấn định như trên hay không. Thủ tướng Theresa May cảnh báo các nghị sĩ không được lợi dụng việc thảo luận thông qua dự luật rút khỏi EU trong tháng tới tại quốc hội để “trì hoãn hoặc dừng lại” tiến trình Brexit. Trong bức thư ngỏ, Thủ tướng Anh nhấn mạnh rằng dự luật sắp tới của chính phủ, với sự ủng hộ từ các đảng phái trong quốc hội, sẽ cụ thể hóa “trên giấy trắng mực đen” việc nước Anh rời khỏi EU.
Bức thư ngỏ này có thể xem là nỗ lực của bà May nhằm củng cố lại vai trò lãnh đạo của mình trong bối cảnh chính phủ của bà đang “chao đảo” sau khi mất 2 bộ trưởng trong vòng 1 tuần, còn các cuộc đàm phán Brexit vẫn bế tắc và chưa cho thấy dấu hiệu sớm có đột phá. Bà May khẳng định sẵn sàng hợp tác làm việc cùng các nghị sĩ để “cải thiện” dự luật, nhưng họ phải thực sự “đồng lòng” đoàn kết giúp nước Anh giành được thỏa thuận có lợi nhất khi rời khỏi EU.
Dưới sức ép của những nghị sĩ Bảo thủ ủng hộ rời EU, Thủ tướng May đã phải bổ nhiệm bà Penny Mordaunt có quan điểm ủng hộ Brexit thay thế bà Priti Patel trên cương vị Bộ trưởng Phát triển Quốc tế. Trước đó, bà May đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ ngay trong đảng Bảo thủ khi bổ nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng mới là ông Gavin Wiliamson, cựu quan chức phụ trách kỷ luật của đảng Bảo thủ tại Hạ viện, một người từng bỏ phiếu ủng hộ ở lại EU.
Bà May cũng phải chịu sức ép về vị trí của Ngoại trưởng Boris Johnson, người đang bị các nghị sĩ của cả đảng Bảo thủ và Công đảng đối lập chỉ trích và yêu cầu từ chức.