Theo tờ "Sunday Times" số ra ngày 9/12, bà Merkel sẽ tới Brussels vào tuần tới để yêu cầu một số điều khoản tốt hơn từ EU. Báo trên dẫn lời các bộ trưởng và cố vấn cho rằng Thủ tướng May có thể sẽ thông báo hoãn cuộc bỏ phiếu trong ngày hôm nay (9/12).
Đa số dư luận cho rằng bà May sẽ thất bại trong cuộc bỏ phiếu, thậm chí các bộ trưởng lo ngại rằng mức độ thất bại có thể tới mức làm sụp đổ chính phủ của bà May vốn đang chia rẽ sâu sắc về kế hoạch Brexit.
Cũng theo báo trên, bà May tới Brussels để lần cuối yêu cầu EU cải thiện thỏa thuận Brexit sau hàng loạt cảnh báo từ các bộ trưởng rằng cần có những điều khoản tốt hơn để có được sự ủng hộ của các nghị sĩ.
Trước đó, hôm 7/12, người phát ngôn của Thủ tướng May khẳng định cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra vào tuần tới bất chấp một số nghị sĩ kêu gọi hoãn sự kiện này. Tuy nhiên, sức ép đối với bà May càng gia tăng sau khi nghị sĩ đảng Bào thủ Will Quince ngày 8/12 tuyên bố từ chức trong chính phủ để phản đối thỏa thuận Brexit với EU.
Một bộ trưởng trong chính phủ cho tờ Sunday Times biết ông sẽ từ chức nếu cuộc bỏ phiếu tại quốc hội vẫn diễn ra. 2 bộ trưởng từng ủng hộ Brexit và 2 thành viên quốc hội cũng bóng gió về ý định từ chức liên quan đến kế hoạch bỏ phiếu. Thậm chí một số bộ trưởng tuyên bố đang lên kế hoạch cho cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai về quy chế thành viên EU.
Kể từ khi Thủ tướng May công bố thỏa thuận Brexit sơ bộ đạt được với EU, đã có 8 quan chức chính phủ từ chức. Thỏa thuận đưa Anh rời EU càng bị chỉ trích mạnh mẽ từ chính các đồng minh của Thủ tướng Theresa May cũng như từ phe đối lập sau khi các nội dung tư vấn pháp lý về thỏa thuận này được công bố.
Nội dung tư vấn pháp lý từ Bộ trưởng Tư pháp Geoffrey Cox mà Chính phủ Anh công khai có đoạn nêu rõ dù dự thảo có những ghi chú rằng điều khoản "rào chắn" nhằm duy trì đường biên giới mở giữa vùng Bắc Ireland thuộc Anh và CH Ireland sẽ không tồn tại mãi mãi và thể hiện rõ ý định của các bên về việc sẽ thay thế điều khoản này bằng những thỏa thuận khác, nhưng theo luật quốc tế, bản dự thảo này sẽ tồn tại vô thời hạn cho tới khi có một thỏa thuận thay thế. Vì thiếu một thời hạn cụ thể nên tồn tại một nguy cơ pháp lý rằng Anh có thể sẽ mắc kẹt trong các cuộc đàm phán kéo dài và lặp đi lặp lại.
Nội dung trên được coi là bất lợi đối với những nỗ lực kêu gọi ủng hộ thỏa thuận của bà May bởi điều khoản "rào chắn" này là vấn đề gây tranh cãi lớn nhất.