Đây là tuyên bố được Thủ tướng Hungary Viktor Orban đưa ra trong một phát biểu trên đài phát thanh nhà nước ngày 20/11, sau khi chính phủ nước này và Ba Lan đã phủ quyết kế hoạch phục hồi của khối với lý do không muốn gắn việc tiếp nhận tài trợ với hoạt động pháp quyền.
Thủ tướng Orban nêu rõ có một số giải pháp phá vỡ thế bế tắc hiện nay và có thể được cả Hungary và Ba Lan chấp nhận. Tuy nhiên, ông không nêu thông tin chi tiết.
Kế hoạch ngân sách và gói phục hồi kinh tế của EU có tổng trị giá khoảng 1.800 tỷ euro, bao gồm khoản ngân sách cho giai đoạn 2021-2027 trị giá gần 1.100 tỷ euro và quỹ phục hồi kinh tế hậu COVID-19 trị giá 750 tỷ euro, vốn được các nhà lãnh đạo EU thống nhất hồi tháng 7 vừa qua sau nhiều cuộc đàm phán căng thẳng từng khiến EU phải kéo dài hội nghị thượng đỉnh khi đó từ 2 ngày thành 4 ngày. Kế hoạch này phải được Hội đồng EU cũng như Nghị viện châu Âu (EP) thông qua, trong đó EP đặt điều kiện gắn kèm dự luật ngân sách dài hạn của toàn liên minh với một cơ chế yêu cầu các quốc gia tôn trọng pháp quyền EU.
Việc Hungary và Ba Lan phủ quyết, khiến kế hoạch phục hồi của EU chưa thể thông qua, sẽ làm trì hoãn tiến độ thanh khoản hàng trăm tỷ euro, vào đúng thời điểm 27 nước thành viên đang chật vật đối phó với làn sóng lây nhiễm thứ hai của dịch COVID-19, khiến kinh tế có thể rơi vào suy thoái kép.
Bất đồng giữa Ba Lan, Hungary với các thành viên khác của EU về cơ chế gắn việc tiếp cận nguồn tài trợ với tôn trọng nguyên tắc pháp quyền là một vấn đề hóc búa, khiến Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến EU diễn ra tối 19/11 ban đầu dự kiến dành riêng để thảo luận biện pháp ứng phó với làn sóng dịch COVID-19 thứ hai đang diễn biến phức tạp ở khu vực, song phải san sẻ thời gian cho kế hoạch phục hồi kinh tế và ngân sách, đã kết thúc trong bế tắc.