Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, Thủ tướng Netanyahu đã ấn định thời hạn ngày 1/7 khởi động kế hoạch sáp nhập các vùng lãnh thổ ở Bờ Tây, song kế hoạch gây tranh cãi này dường như đã bị trì hoãn. Ông Netanyahu và đối tác liên minh chính - lãnh đạo đảng Xanh Trắng Benny Gantz bất đồng về thời điểm bắt đầu triển khai kế hoạch sáp nhập trên.
Thủ tướng Netanyahu muốn khởi động kế hoạch này từ ngày 1/7, trong khi ông Gantz muốn lùi đến thời điểm sau dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Sau cuộc gặp với Đặc phái viên Tổng thống Mỹ về tiến trình hòa bình Trung Đông Avi Berkowitz hôm 30/6, ông Netanyahu dường như đã nhượng bộ và cho biết Chính phủ Israel vẫn đang "xem xét" kế hoạch.
Người Palestine và phần lớn cộng đồng quốc tế chỉ trích kế hoạch sáp nhập trên của Israel, coi đó là hành động vi phạm luật pháp quốc tế. Sau khi Văn phòng Thủ tướng Netanyahu tuyên bố ông Netanyahu sẽ tiếp tục thảo luận về kế hoạch sáp nhập Bờ Tây, hàng nghìn người Palestine đã xuống đường biểu tình tại Gaza để phản đối.
Cùng ngày, Thủ tướng Anh Boris Johnson cảnh báo Israel không được xúc tiến kế hoạch sáp nhập các khu vực thuộc Bờ Tây, nhấn mạnh hoạt động này là bất hợp pháp và đi ngược lại các lợi ích của chính Nhà nước Do Thái. Theo ông Johnson, kế hoạch sáp nhập trên sẽ gây phương hại những tiến triển mà Israel đã đạt được trong việc cải thiện quan hệ với thế giới Arab và Hồi giáo. Ông Johnson khẳng định cách duy nhất để đạt được an ninh thật sự và lâu dài cho Israel là thông qua một giải pháp mang lại công bằng và an ninh cho cả người Israel và người Palestine.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nêu rõ bất cứ hoạt động sáp nhập nào của Israel đối với khu Bờ Tây bị chiếm đóng sẽ vi phạm luật pháp quốc tế và gây ra nhiều hậu quả.
Phát biểu trong một phiên điều trần tại Quốc hội Pháp, ông Le Drian nhấn mạnh: “Hoạt động sáp nhập các vùng lãnh thổ của Palestine, dù ở bất cứ mức độ nào, sẽ gây nghi ngờ nghiêm trọng về những nhân tố giải quyết xung đột... Một quyết định sáp nhập không thể không để lại hậu quả và chúng tôi đang nghiên cứu các phương án khác nhau ở cấp độ quốc gia cũng như phối hợp với các đối tác chủ chốt của chúng tôi ở châu Âu”.
Chính phủ Israel có kế hoạch sáp nhập hơn 30% diện tích khu vực Bờ Tây, bao gồm Thung lũng Jordan, đồng thời có kế hoạch áp đặt chủ quyền đối với một số khu định cư Do Thái tại vùng lãnh thổ này. Hiện có trên 450.000 người Israel sinh sống tại các khu định cư ở Bờ Tây và khoảng 200.000 người sống ở Đông Jerusalem. Tại Bờ Tây hiện có khoảng 2,8 triệu người Palestine sinh sống.