Thủ tướng Palestine đưa ra phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich. Ông Shtayyeh cho rằng kế hoạch do Tổng thống Mỹ đề xuất sẽ dẫn đến một nhà nước Palestine trong tương lai bị phân tách rời rạc và “không có chủ quyền”, trong khi cho phép Israel sáp nhập những phần lãnh thổ rộng lớn của Bờ Tây.
Ông Shtayyeh hối thúc các nước khác bác bỏ đề xuất của Tổng thống Mỹ, đồng thời khẳng định Palestine “sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán nghiêm túc”.
Cũng trong ngày 16/2, Tổng Thư ký Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) Saeb Erekat đã chỉ trích hoạt động của ủy ban hỗn hợp Mỹ - Israel phụ trách công tác vẽ bản đồ các khu vực thuộc Bờ Tây, cho rằng đây là bước đi giúp Israel sáp nhập các khu vực này theo kế hoạch hòa bình của Mỹ.
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, ông Erekat nhấn mạnh "bước đi này sẽ phá hủy thực thể chính trị Palestine, vốn là nền tảng cho tiến trình hòa bình” và là động thái “rút khỏi các thỏa thuận đã được ký kết, cũng như tính hợp pháp quốc tế”.
Bộ Ngoại giao Palestine cũng ra thông cáo bày tỏ "hết sức quan ngại" về bước đi mà bộ này cho là "hủy hoại ý chí của cộng đồng quốc tế và quyền lợi của người dân Palestine". Thông cáo nêu rõ bước đi này “là một phần trong Thỏa thuận thế kỷ và các biện pháp của Israel nhằm giải quyết các vấn đề về quy chế cuối cùng một cách đơn phương và bằng vũ lực”.
Trong một phát biểu với báo giới, người phát ngôn của Tổng thống Palestine Mahmud Abbas - ông Nabil Abu Rudeineh cho biết hợp tác an ninh giữa Chính quyền Palestine (PA) và Israel hiện vẫn tiếp tục nhưng có thể sẽ “không trường tồn”.
Sau khi Mỹ công bố kế hoạch hòa bình, Tổng thống Abbas đã cảnh báo cắt đứt quan hệ an ninh với cả Mỹ và Israel. Giới chức cấp cao Palestine cho biết mặc dù hợp tác an ninh chưa chấm dứt như cảnh báo báo của Tổng thống Abbas, song quan hệ giữa hai bên đang trở nên căng thẳng.
Ông Nabil nêu rõ: “Chúng tôi đang kiên nhẫn bởi chúng tôi không muốn khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn. Chúng tôi muốn cho người Israel thấy rằng chúng tôi đang nghiêm túc chống khủng bố”.