Thủ tướng Thái Lan bị phe đối lập gán tội phản quốc

Bất chấp lời kêu gọi bầu cử sớm của Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra, phe đối lập ngày càng tăng cường gây sức ép với bà Yingluck, đặc biệt là khi cáo buộc bà vào tội phản quốc và cảnh báo sẽ gây sức ép cho đến khi cả gia đình bà buộc phải từ bỏ chính trường.

Phe đối lập thề gây sức ép với chính phủ đến cùng.


Thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban ngày 11/12 cho rằng cảnh sát nên bắt giữ bà Yingluck: “Tôi đề nghị cảnh sát bắt bà Yingluck với tội phản quốc vì bà không đáp ứng yêu cầu của chúng tôi”. Theo tờ The Nation, ông Suthep còn đưa ra thêm yêu sách và đòi phải thực hiện trong vòng 12 tiếng, trong đó có việc truy tố bà Yingluck vì tội “nổi loạn” và trao quyền cho người dân giám sát hoạt động của các thành viên trong gia đình Shinawatra.


Trước đó, sau khi buộc bà Yingluck giải tán quốc hội và kêu gọi 160.000 người bao vây văn phòng của bà, thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban đã ra “tối hậu thư”, yêu cầu bà từ chức trong vòng 24 giờ. Trong lúc chờ hết thời hạn chót, ông Suthep thúc giục người biểu tình tiếp tục tuần hành cho đến khi gia đình Shinawatra cảm thấy tức giận đến mức không thể chịu đựng được nữa. Tối hậu thư này đã bị bà Yingluck từ chối, kiên quyết sẽ làm thủ tướng lâm thời cho đến cuộc bầu cử ngày 2/2/2014.


Phe “áo đỏ” có thể tuần hành lớn


Trong khi đó, Mặt trận Dân chủ chống Độc tài (UDD), hay còn gọi là phe “áo đỏ” ủng hộ chính phủ của Thủ tướng Yingluck, hôm qua cho biết có thể tuần hành để bảo vệ chính phủ trước làn sóng biểu tình của phe đối lập. Nếu phe “áo đỏ” tổ chức tuần hành, đụng độ lại có thể xảy ra như lần trước.


Ông Jatuporn Promphan, một thủ lĩnh UDD, tuyên bố: “Nhiệm vụ của UDD là tập hợp đông đảo người áo đỏ và những người yêu dân chủ, không đồng ý với phương pháp của ông Suthep”. Ông Jatuporn cho biết họ sẽ xuống đường khi có bạo loạn hoặc khi phía đối lập dùng phương pháp bạo lực để giành quyền lực. Mục đích của phe “áo đỏ” không phải là tìm kiếm đối đầu mà là để chứng minh rằng phe “áo đỏ” có thể huy động nhiều người hơn số người biểu tình chống chính phủ.


Một thủ lĩnh UDD khác tên Thida Thawornseth cảnh báo: Tại sao ông Suthep lại nghĩ ông ta có thể nói thay mặt cho toàn bộ người dân Thái Lan? Khi ông ta phát biểu, ông ta nên nhớ rằng có hàng triệu người Thái Lan yêu gia đình Shinawatra.


Lãnh đạo phe "áo đỏ" cũng tuyên bố ủng hộ cuộc bầu cử sắp tới ở nước này, đồng thời cảnh báo rằng những yêu sách từ các cuộc biểu tình của phe đối lập nhằm cản trở nền dân chủ của đất nước có nguy cơ hình thành "chế độ độc tài chuyên chế".


Cùng ngày, Thủ tướng tạm quyền Yingluck bày tỏ tin tưởng rằng quân đội sẽ không tiến hành cuộc đảo chính nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại đất nước này. Phát biểu với các phóng viên nước ngoài tại Bangkok, bà Yingluck cho biết những người tiến hành đảo chính lật đổ anh trai bà là cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra hồi năm 2006 đã nhận thấy rằng đảo chính không giải quyết bất kỳ vấn đề nào mà chỉ mở màn cho những bất ổn chính trị.


Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh giới tướng lĩnh Thái Lan đến nay vẫn né tránh can thiệp vào khủng hoảng chính trị, ngoại trừ việc phái một số binh sĩ không mang vũ khí tới giúp bảo vệ các tòa nhà chính phủ. Tuần trước, Tư lệnh lục quân Prayuth Chan-ocha tuyên bố cuộc khủng hoảng "nên được giải quyết bằng chính trị". Thái Lan đã chứng kiến 18 cuộc đảo chính thực sự hoặc nỗ lực đảo chính kể từ khi nước này trở thành một nền quân chủ lập hiến vào năm 1932.


Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN