Phát biểu tại trụ sở Chính phủ, ông Prayut cho biết người dân Thái Lan cần đoàn kết nhằm tạo ra một môi trường hòa bình để đất nước có thế tiến tới dân chủ - điều sẽ giúp Thái Lan giành lại niềm tin của các nhà đầu tư và cộng đồng quốc tế. Thủ tướng Prayut nhấn mạnh mọi người phải phối hợp với để giảm mâu thuẫn, học cách tha thứ và để các vấn đề lại phía sau trong dịp Songkran.
Theo Thủ tướng Prayut, Chính phủ Thái Lan lo lắng về những người có thu nhập thấp, nông dân trồng lúa, cũng như những người trồng cao su, dầu cọ và sắn bị ảnh hưởng bởi việc giá bán nông sản sảm sút. Ông đã ra lệnh cho các cơ quan nhà nước nỗ lực giải quyết vấn đề giá nông sản thấp, đồng thời chính phủ cũng đang tìm kiếm các biện pháp nhằm giúp đỡ những người có thu nhập thấp.
Với khoảng 94% dân số theo đạo Phật, Thái Lan và nhiều quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á như Lào, Campuchia và Myanmar đều đón Năm mới theo Phật lịch. Từ Songkran xuất phát từ tiếng Phạn có nghĩa là "lúc thời gian chuyển dịch” hàm ý về sự đổi mới, phát triển. Ngoài ra, lễ hội cũng là một hoạt động văn hóa liên quan đến chu kỳ sản xuất nông nghiệp ở Đông Nam Á.
Mùa lễ hội Songkran ở Thái Lan năm nay diễn ra từ ngày 12-16/4. Theo truyền thống, trên khắp nẻo đường Thái Lan, người dân mặc áo hoa, bật nhạc, hò reo, nhảy múa và té nước vào nhau… Người Thái Lan tin rằng ai càng được té nhiều nước, người đó càng có nhiều may mắn trong Năm mới. Về ý nghĩa tâm linh, té nước tượng trưng cho hình ảnh của thần rắn Naga phun nước xuống trần gian để đem lại mùa màng tốt tươi. Mặt khác, tháng 4 là giai đoạn đầu mùa Hè nên người ta té nước vào nhau không chỉ để cầu mong một mùa vụ bội thu mà còn để làm dịu bớt cái nóng oi bức.
Mùa lễ hội Songkran năm nay cũng là một dịp rất đặc biệt vì cùng thời điểm này, những công việc chuẩn bị cho Lễ đăng quang của Nhà vua Thái Lan vào đầu tháng 5 đang được gấp rút tiến hành.