Thủ tướng Thụy Điển mắc COVID-19

Ngày 14/1, Chính phủ Thụy Điển thông báo Thủ tướng Magdalena Andersson có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo người phát ngôn của Thủ tướng Andersson, hiện nhà lãnh đạo 54 tuổi này đang tuân thủ các hướng dẫn y tế hiện nay và sẽ làm việc tại nhà. Sức khỏe của bà vẫn đang trong tình trạng tốt. 

Thủ tướng Andersson là một trong số các chính trị gia có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 sau cuộc tranh luận ở Quốc hội đầu tuần.

Hiện làn sóng lây nhiễm thứ 4 dịch COVID-19 đang tấn công Thụy Điển. Trong tháng này, nhiều lần Thụy Điển ghi nhận số ca mắc mới ở mức cao nhất từ trước đến nay, gây áp lực đối với hệ thống y tế, buộc nhà chức trách phải tái áp đặt nhiều hạn chế.

Theo cơ quan y tế Thụy Điển, mô hình dự báo cho thấy số ca mắc mới COVID-19, hiện ở mức khoảng 25.000 ca/ngày, có thể đạt đỉnh vào cuối tháng này, lên tới gần 70.000 ca/ngày. 

* Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, dịch COVID-19 đang lan rộng trên khắp Nhật Bản, đặc biệt ở các đô thị lớn và các khu vực có căn cứ quân sự của Mỹ. 

Cụ thể, trong 24 giờ qua, số ca mắc mới ở nước này lần đầu tiên vượt ngưỡng 20.000 ca/ngày kể từ đầu tháng 9/2021. Đáng chú ý, thủ đô Tokyo ghi nhận tới 4.051 ca mắc mới - mức cao nhất kể từ ngày 27/8/2021. Điều này khiến số ca mắc mới trung bình ở Tokyo trong tuần (từ ngày 8 - 14/1) lên tới 1.950,4 ca/ngày, tăng gấp gần 6 lần so với một tuần trước đó. Chính quyền thủ đô Tokyo dự báo số ca nhiễm mới trung bình mỗi ngày ở thành phố này có thể tăng lên khoảng 10.000 ca vào tuần tới. Trước tình hình trên, chính quyền đã nâng mức cảnh báo về dịch bệnh lên cấp độ 2 trên thang cảnh báo gồm 4 độ.

Giới chuyên gia cho rằng nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự gia tăng đột biến của các ca nhiễm mới ở Nhật Bản là do biến thể Omicron, nhất là ở các khu vực có căn cứ quân sự của Mỹ. Riêng trong ngày 14/1, tỉnh Okinawa - nơi có nhiều căn cứ quân sự của Mỹ - ghi nhận tới gần 1.600 ca nhiễm mới. Sự gia tăng đột biến của các ca nhiễm mới đang ảnh hưởng tới hệ thống y tế của nhiều khu vực, nhất là ở tỉnh Okinawa. 

Trong bối cảnh đó, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định rút ngắn thời gian cách ly đối với các nhân viên y tế được xác định có tiếp xúc gần với những người nhiễm Omicron từ 14 ngày xuống còn 6 ngày.

Cũng trong ngày 14/1, hãng dược phẩm Pfizer đã nộp hồ sơ xin nhà chức trách Nhật Bản cấp phép lưu hành thuốc Paxlovid chữa COVID-19. Theo Pfizer, kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy Paxlovid giúp giảm 89% nguy cơ nhập viện hoặc tử vong nếu bệnh nhân COVID-19 sử dụng thuốc này trong vòng 3 ngày kể từ khi xuất hiện các triệu chứng. Ngoài ra, kết quả thử nghiệm trong phòng thí nghiệm cũng cho thấy thuốc này có thể giúp kiềm chế khả năng tái tạo của biến thể Omicron.

Nếu được phê duyệt, Paxlovid sẽ là thuốc chữa COVID-19 dạng uống thứ hai được cấp phép ở Nhật Bản.

Đào Thanh Tùng - Ngọc Hà (TTXVN)
LHQ phân bổ 150 triệu USD để thúc đẩy hoạt động cứu trợ nhân đạo tại 13 quốc gia
LHQ phân bổ 150 triệu USD để thúc đẩy hoạt động cứu trợ nhân đạo tại 13 quốc gia

Ngày 14/1, Quỹ Ứng phó Tình trạng Khẩn cấp (CERF) của Liên hợp quốc (LHQ) đã công bố khoản cứu trợ 150 triệu USD, mức phân bổ lớn nhất trong lịch sử của quỹ này, để thúc đẩy hoạt động nhân đạo vốn đang thiếu nguồn tài trợ ở 13 quốc gia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN