Theo trang Daily Mail (Anh), nhiều người dùng mạng xã hội đã vô cùng bất bình trước hình ảnh những chiếc thùng rác ở thành phố Derby, miền Trung nước Anh tràn ngập thức ăn bỏ đi. Trong bức ảnh, có rất nhiều đồ ăn chưa dùng đến như bánh mì, đùi gà, đều bị vứt bỏ vì quá hạn sử dụng.
Một người đàn ông đã đăng những bức ảnh lên mạng xã hội Twitter kèm chú thích: “Gửi tới tất cả người dân ở thành phố Derby tuyệt vời của chúng ta, nếu bạn đã ra ngoài tích trữ thực phẩm và chất đống thực phẩm trong nhà khi không cần đến, bạn cần xem xét lại bản thân mình”.
Tình trạng lãng phí thực phẩm khiến nhiều người cảm thấy phẫn nộ, họ cho rằng sự việc tương tự đang xảy ra trên khắp đất nước Anh.
“Nên phạt tiền những ai có hành động này. Thật đáng xấu hổ khi đổ xô đi mua sắm trong hoảng loạn rồi lại vứt vào thùng rác một cách lãng phí”, người dùng Twitter có tài khoản @queentilli nói.
“Không thể tin được những thực phẩm đáng lẽ có thể giúp đỡ được nhiều người thực sự cần nó”, tài khoản Stephen bình luận.
Ông Stephen Powis, Giám đốc Y tế của Cơ quan Y tế Quốc gia Anh (NHS) đã lên án những người mua sắm hoảng loạn: “Thành thật mà nói tất cả chúng ta nên xấu hổ vì điều đó”.
Trước lệnh phong toả vì dịch COVID-19, người dân Anh chỉ được phép rời khỏi nhà mỗi ngày một lần với khuyến cáo chỉ nên mua sắm những đồ dùng cần thiết. Nhiều người đã đổ xô tích trữ thực phẩm khiến các siêu thị phải hạn chế thời gian, số lượng người mua sắm, nhiều nơi phải đặt ra thời gian ưu tiên cho khách hàng cao tuổi.
Khi dịch COVID-19 lan rộng ra các quốc gia châu Âu, nhiều cuộc khủng hoảng mua sắm cũng bắt đầu diễn ra tại các siêu thị trên khắp đất nước. Trước nhu cầu tiêu dùng thực phẩm và đồ gia dụng tăng cao, chính phủ đã khuyến cáo những người trẻ tuổi và khoẻ mạnh không nên tích trữ thực phẩm.
Theo một báo cáo, trong nửa tháng qua, người dân Anh đã tích trữ lượng thực phẩm trị giá 1 tỷ Bảng Anh, bất chấp lời cam kết đảm bảo đủ nguồn cung hàng hoá của chính phủ trong thời gian phong toả vì COVID-19.
Giám đốc Điều hành hệ thống bán lẻ Tesco, chuỗi siêu thị lớn nhất nước Anh, Dave Lewis, đã viết thư trấn an khách hàng rằng vẫn còn nhiều thực phẩm và khuyến khích những khách hàng trẻ tuổi nên đến mua sắm trực tiếp tại các cửa hàng, nhường các đơn đặt hàng trực tuyến cho người già và những người dễ có nguy cơ nhiễm bệnh. Tuy nhiên, động thái này có thể dẫn đến tình trạng quá tải người mua sắm tại các siêu thị, dẫn đến rủi ro lây nhiễm cao.
Siêu thị trực tuyến Ocado của Anh đã hoạt động hết công suất trong thời gian thực thi lệnh phong toả và cho biết nhu cầu của người dân đã tăng gấp 10 lần so với thời gian trước khi dịch bệnh bùng phát. Họ phải giới hạn đơn đặt hàng trực tuyến một lần mỗi tuần cho mỗi khách hàng.
Ông Lord Rose, 71 tuổi, cựu Chủ tịch và Giám đốc Điều hành của nhà bán lẻ thời trang và thực phẩm Marks & Spencer cũng kêu gọi người dân tiết kiệm bằng cách hãy tự làm cho những bữa ăn của mình thêm sinh động.
“Nếu bạn mua một con gà, hãy dành một phần để nướng, một phần để chế biến món xào cho ngày hôm sau và phần còn lại để biến nó thành món súp. Bạn có thể chia một lượng thực phẩm tương đối ít thành nhiều bữa. Tôi nghĩ rằng chúng ta đang sống trong một xã hội rất hoang phí khi mọi người mua sắm quá nhiều, chúng ta ăn quá nhiều, chúng ta tiêu thụ quá nhiều và chúng ta phải học những cách mới”, ông nói.
Virus SARS-CoV-2 đang tiếp tục lan rộng trên cả nước với tốc độ nhanh chóng. Tính đến ngày 29/3, Anh đã ghi nhận 17.089 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 và 1.019 trường hợp tử vong. Để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, thay vì hoảng loạn đổ xô tích trữ, chính phủ khuyến cáo người dân chỉ nên ra khỏi nhà để mua sắm đồ dùng cần thiết, chăm sóc y tế và tập thể dục nâng cao sức đề kháng.