Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan phát biểu tại cuộc họp báo ở Washington. Ảnh: AFP/TTXVN |
Cụ thể, 5 nghị sĩ đảng Dân chủ và 5 nghị sĩ đảng Cộng hòa đã đưa ra các biện phát trừng phạt mới mở rộng, trong đó có cấm thị thực và phong tỏa tài sản, tài chính nhằm vào những nhân vật được cho là đã tiến hành và hỗ trợ
các vụ tấn công mạng nhằm vào các văn phòng của đảng Dân chủ Mỹ.
Văn kiện trên nếu được thông qua sẽ áp đặt những biện pháp trừng phạt lên các hoạt động đầu tư vào phát triển các dự án hạt nhân dân sự và các đường ống dẫn năng lượng của Nga, đồng thời nhắm vào các lĩnh vực quốc phòng và tình báo của nước này.
Dự luật cũng bao gồm các biện pháp trừng phạt mà Tổng thống Barack Obama đã đưa ra bằng các sắc lệnh hành chính hồi tháng trước.
Dự luật cũng bao gồm các biện pháp trừng phạt mới liên quan đến vai trò của Nga trong cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine và Syria, theo đó, 4 sắc lệnh hành pháp của chính quyền Tổng thống Obama đã được đưa thành luật.
Theo giới phân tích, văn kiện này sẽ tạo ra rào cản lớn cho chính quyền mới của Mỹ nếu tìm cách hủy bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.
Dự luật được trình lên chỉ 1 ngày trước khi Ủy ban Đối ngoại Thượng viện có buổi điều trần phê chuẩn đề cử ông Rex Tillerson vào chức Ngoại trưởng của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Ông Tillerson là người có quan hệ khá gần gũi với chính quyền Nga khi giữ chức Tổng giám đốc công ty dầu khí Exxon Mobil.
Trong cuộc họp báo cùng ngày tại Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter tuyên bố những biện pháp đối phó Nga hiện tại của Mỹ mới chỉ "là bắt đầu chứ chưa kết thúc".
Liên quan với cuộc điều tra vụ tấn công mạng này, ngày 10/1, Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) James Comey cho biết FBI không tìm thấy bằng chứng về việc Nga đã can thiệp vào chiến dịch tranh cử của Tổng thống đắc cử Donald Trump cũng như Ủy ban Quốc gia của đảng Cộng hòa (RNC).
Tuy nhiên, theo hãng tin CNN, các tin tặc có thể đã nắm được một số thông tin nhạy cảm về tỷ phú Trump. Nguồn tin của CNN cho biết ông Obama cũng như ông Trump đã được thông báo về khả năng này trong một bản tóm tắt gần đây.
Chính phủ Nga luôn bác bỏ những thông tin nói rằng Moskva can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống vừa qua tại Mỹ, khẳng định những cáo buộc này là "vô căn cứ" và càng hủy hoại quan hệ giữa Moskva và Washington.