Theo đài RT (Nga), trong khi các máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất đã bắt đầu đến Ukraine, nước này hiện vẫn chưa có đủ phi công để điều khiển chúng.
“Nếu bạn là một phi công F-16 đã nghỉ hưu và bạn muốn chiến đấu vì tự do, Ukraine sẽ thuê bạn. Ukraine sẽ tìm kiếm khắp các quốc gia NATO để tìm những phi công chiến đấu đã nghỉ hưu sẵn sàng đến giúp họ, cho đến khi họ có thể đào tạo phi công của mình”, ông Graham tuyên bố trong cuộc họp báo tại Kiev hôm 12/8.
Nhà lập pháp đảng Cộng hòa nói thêm rằng những chiếc máy bay chiến đấu này sẽ được đưa vào chiến trường sớm nhất có thể.
Một loạt các quốc gia phương Tây - bao gồm Bỉ, Đan Mạch, Hà Lan và Na Uy - đã cam kết cung cấp cho Ukraine hơn 80 máy bay chiến đấu F-16. Được đưa vào sử dụng từ năm 1978, F-16 đang được hơn 20 quốc gia sử dụng, mặc dù nhiều quốc gia đang cho những chiếc máy bay cũ này nghỉ hưu để chuyển sang sử dụng máy bay F-35 hiện đại hơn.
Đầu tháng này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã xác nhận lô máy bay F-16 đầu tiên đã đến nước này và đã được các phi công Ukraine vận hành. Tuy nhiên, ông Zelensky không nói rõ Ukraine đã nhận bao nhiêu chiếc và các máy bay chiến đấu do Mỹ chế tạo vẫn chưa được phát hiện trong chiến đấu.
Tổng thống Zelensky thừa nhận Ukraine không có đủ phi công để lái tất cả các máy bay chiến đấu mà phương Tây đã cam kết chuyển giao cho Kiev, nhưng ông cho biết nhiều binh sĩ đang được đào tạo vận hành chiến đấu cơ này. Những phi công này được đào tạo tại Mỹ và Đan Mạch. Trong khi đó, vẫn chưa rõ liệu trung tâm đào tạo mới ở Romania đã bắt đầu tiếp nhận học viên hay chưa.
Hồi tháng 6, một quan chức Lầu Năm Góc đã nói với tờ Politico rằng tổng cộng 20 phi công vận hành F-16 của Ukraine dự kiến tốt nghiệp vào cuối năm nay. Tuy nhiên, con số này mới chỉ bằng một nửa so với con số cần thiết để lập ra một phi đội F-16.
Cho dù là người Ukraine hay phương Tây vận hành, F-16 đều cần đường băng vô cùng sạch sẽ và trơn tru để hoạt động. Với việc các sân bay của Ukraine thường xuyên bị hư hại do các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga, một số quan chức Ukraine đã đề xuất triển khai các máy bay chiến đấu đòi hỏi bảo trì cao này tại các căn cứ không quân ở các nước NATO lân cận.
Về phần mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo rằng bất kỳ căn cứ nào có máy bay F-16 của Ukraine sẽ trở thành mục tiêu hợp pháp của quân đội Nga, trong khi Điện Kremlin tuyên bố rằng không có lượng vũ khí phương Tây nào có thể giúp Ukraine giành chiến thắng trong cuộc xung đột.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố vào đầu tháng này: “Những chiếc máy bay này sẽ xuất hiện, số lượng của chúng sẽ giảm dần, chúng sẽ bị bắn hạ và phá hủy. Chúng sẽ không thể tác động đáng kể đến diễn biến của các sự kiện ở tiền tuyến”.
Chuẩn tướng Ben Barry, thuộc nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), bìnhluận rằng F-16 sẽ không phải là yếu tố thay đổi cuộc chơi vì Nga sẽ nhanh chóng tìm ra cách chống lại F-16 sau khi đã lường trước được điều này. Tuy nhiên, chúng rất hữu ích khi có thể nhanh chóng lấp đầy khoảng trống trong hệ thống phòng không của Ukraine.
Nhà phân tích máy bay quân sự Tim Ripley cho rằng F-16 có thể trở thành “xe tăng Leopard” trong cuộc tấn công mùa hè thất bại năm ngoái, khi loại xe tăng do Đức sản xuất được ca ngợi nhiều đã không thể vượt qua bãi mìn dày đặc.
“Đó là dự đoán của tôi, bởi vì F-16 sẽ đối mặt với một cuộc chiến tiêu hao trên không, nên không nằm ngoài khả năng một nửa số máy bay F-16 bị bắn hạ và một phần tư khác sẽ bị rơi vì chúng được đưa vào sử dụng vội vã và có nguy cơ gặp sự cố”, ông Ripley lưu ý.
Về phần mình, ông Jim Townsend, thành viên cấp cao tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới, nhấn mạnh: “Mọi người không nên mong đợi phép màu từ F-16 chống lại Nga. Điều dễ bị tổn thương là những sân bay phục vụ F-16 sẽ là những mục tiêu hấp dẫn và Nga đã tấn công một số trong số chúng, chỉ như một lời cảnh báo với chiếc F-16 này”.