Thụy Điển là một quốc gia trung lập, yên bình, vậy tại sao chính phủ nước này lại muốn người dân sẵn sàng trước tình huống xấu xảy ra chiến sự như vậy?
Chính phủ Thụy Điển khuyến cáo người dân nên kháng cự kẻ xâm lược bằng mọi biện pháp cần thiết. Cuốn sổ nhấn mạnh: “Nếu quốc gia khác tấn công Thụy Điển, chúng ta sẽ không bao giờ đầu hàng”. Theo như nội dung cuốn sổ nhỏ này, trong viễn cảnh xảy ra chiến tranh, tất cả mọi công dân Thụy Điển phải thực hiện theo mệnh lệnh họ được nhận, cho dù đó là hỗ trợ y tế hay trực tiếp chiến đấu.
Cuốn sổ cảnh báo nếu chiến tranh xảy ra tại Thụy Điển. Ảnh: Reuters |
Trong cuốn sách nhỏ gửi tới người dân Thụy Điển còn có nội dung: “Trong một thời gian dài, công tác chuẩn bị cho mối đe dọa chiến tranh tại Thụy Điển đã rất hạn chế. Tuy nhiên, thế giới xung quanh chúng ta đang thay đổi, chính phủ quyết định củng cố toàn diện nền quốc phòng của Thụy Điển”.
Cây bút Peter Apps tại hãng thông tấn Reuters (Anh) nhận định cuộc xung đột tại Ukraine trong 4 năm qua và các diễn biến liên quan được coi là một hồi chuông cảnh tỉnh nhưng không phải mối đe dọa tiềm tàng. Tuy vậy, những quốc gia châu Âu như Đức, Anh và Pháp vẫn lo ngại và đã xem xét lại thực trạng quốc phòng đồng thời gia tăng chi tiêu quốc phòng.
Trong cuốn sách nhỏ, có thể thấy nhà chức trách Thụy Điển lo âu nhất về một cuộc tấn công kèm theo chiến dịch “tung hỏa mù” thông tin khiến quần chúng hiểu nhầm và quốc gia này thua trong cuộc chiến trước cả khi nó khởi động.
Trong thời gian qua Thụy Điển đã tái xem xét nghĩa vụ quân sự bắt buộc đối với cả nam giới và nữ giới. Đây là thay đổi đặc biệt so với vài năm trước khi quân đội các quốc gia Bắc Âu chỉ chủ yếu tập trung vào nhiệm vụ nhân đạo, chống khủng bố ở nước ngoài và tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Cuốn sổ nhỏ gửi tới người dân Thụy Điển đã được dịch sang tiếng Arab, Somali và nhiều ngôn ngữ khác để các gia đình nhập cư cũng có thể tiếp cận. Trên thực tế, cộng đồng nhập cư tại Thụy Điển cũng phải chấp nhận việc nam nữ thanh niên của họ nhập ngũ.
Các binh sĩ thuộc quân đội Thụy Điển. Ảnh: BBC |
Sự chuẩn bị của Thụy Điển cho viễn cảnh chiến tranh phần nào phản ánh nỗi lo sợ âm ỉ trong các quốc gia Bắc Âu và Baltic rằng sự chuẩn bị về quân sự hiện nay chưa đủ tin cậy. Quan ngại càng gia tăng sau khi các đảng phái cực hữu trỗi dậy và giành được nhiều lợi thế tại Đức, Pháp. Cùng với sự kiện ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ, nhiều quốc gia Bắc Âu đau đáu về viễn cảnh cấu trúc xuyên Đại Tây Dương và châu Âu mà họ từng dựa vào sẽ sụp đổ.
Khi một quốc gia củng cố năng lực quốc phòng, đó có thể là tín hiệu cho thấy ngoài sự phụ thuộc vào đồng minh thì tự lực phòng vệ vẫn là điều cần thiết. Thụy Điển chưa phải là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhưng đang thảo luận về triển vọng gia nhập khối và tích cực kết nối với liên minh quân sự này. Ngoài ra, Thụy Điển còn là thành viên Lực lượng Viễn chinh Liên hợp do Anh dẫn đầu có hoạt động quân sự độc lập với NATO.
Việc Thụy Điển phát hành cuốn sách cảnh báo chiến tranh là lời nhắc nhở rằng ngay tại nơi yên bình, tự do nhất của châu Âu, những nhà lãnh đạo vẫn canh cánh nỗi lo về thời kỳ tăm tối nhất, như khi các Thế chiến nổ ra trong quá khứ, quay trở lại.