Tiếp theo việc Triều Tiên thử tên lửa có thể vươn tới Mỹ sẽ là gì?

CHDCND Triều Tiên vào ngày 4/7 đã phóng một tên lửa được đánh giá có thể vươn tới lãnh thổ Mỹ, vậy điều gì sẽ tiếp diễn sau sự kiện xảy ra vào đúng Ngày Độc lập Mỹ này?

Lầu Năm Góc cùng ngày xác nhận Triều Tiên đã phóng thử một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và thừa nhận rằng động thái của Bình Nhưỡng đã đe dọa trực tiếp tới Mỹ và các đồng minh.

Phía Triều Tiên tuyên bố tên lửa vừa được phóng đạt độ cao 2.800km, đi xa được 930km và đã rơi xuống Biển Nhật Bản.

Hình ảnh về vụ phóng tên lửa do truyền thông Triều Tiên công bố. Ảnh: Reuters

Kênh CNN (Mỹ) dẫn đánh giá của các chuyên gia ước tính rằng nếu được phóng tại quỹ đạo bình thường, tên lửa này có khả năng từ Triều Tiên vươn tới bang Alaska.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un từ lâu đã đe dọa rằng nước này sẽ hoàn thiện khả năng tấn công hạt nhân Mỹ. Tuy vụ thử tên lửa ngày 4/7 không đồng nghĩa với việc Triều Tiên đã đạt được tới cấp độ này nhưng nó cho thấy thời điểm lời cảnh báo của ông Kim Jong Un trở thành sự thật sẽ không còn quá xa vời.

Trong khi đó, ngày 27/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng một cuộc “xung đột” với Triều Tiên có thể xảy ra từ chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Sau đó, tại cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In ngày 30/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói: “Thời kỳ kiên nhẫn chiến lược với chính quyền Triều Tiên đã dần cạn. Và nói thẳng ra thì sự kiên nhẫn đó đã kết thúc”.

Sau vụ thử tên lửa ngày 4/7, Tổng thống Trump đăng trên mạng xã hội Twitter rằng Trung Quốc có thể thử “động thái mạnh” chống lại chính quyền của ông Kim Jong Un đồng thời gợi ý rằng Hàn Quốc và Nhật Bản có thể ra hành động trừng phạt Bình Nhưỡng.

Nhưng thông điệp từ vụ phóng thử tên lửa vào Ngày Độc lập Mỹ dường như không phải nhắm đến Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản mà là gửi thẳng đến Washington. Vậy điều thay đổi gì sẽ xảy ra?

Tờ báo điện tử Business Insider (Mỹ) đưa ra câu trả lời rằng sẽ chẳng có điều gì diễn ra bởi Mỹ vốn đã sống dưới sự đe dọa về tấn công hạt nhân trong hơn 50 năm.


Tại sao cần có thay đổi khi Triều Tiên có thể đạt khả năng tấn công Alaska, Los Angeles, New York trong khi Bình Nhưỡng vốn chưa dám ra tay nhằm những mục tiêu là đồng minh của Mỹ ở ngay gần kề như Seoul, Tokyo? Nếu Bình Nhưỡng thực hiện ý định này thì Washington chắc chắn sẽ ra tay trừng phạt.
 
Đô đốc về hưu Dennis Blair, cựu chỉ huy Bộ tư lệnh Thái Bình Dương từng nhận định: “Triều Tiên có thể phát triển 10 đến 15 vũ khí hạt nhân. Mỹ có 2.000. Triều Tiên có thể gây tổn thất với Mỹ nhưng điều đó sẽ dẫn đến việc nước này bị xóa sổ nếu đối đầu bằng hạt nhân. Đó không phải là chiến lược sống còn tốt và ngay cả ông Kim Jong Un cũng hiểu điều này”.

Dưới thời kỳ lãnh đạo của ông Kim Jong Un, Triều Tiên đã đặt việc sở hữu vũ khí hạt nhân vào trong hiến pháp như sự bảo đảm cho an ninh của nước này. Triều Tiên hoàn toàn dự liệu về việc Mỹ đẩy mạnh trừng phạt, đầu tư phòng thủ tên lửa… nhưng không hề mong muốn về đối đầu bằng vũ khí hạt nhân bởi việc Bình Nhưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân trong cơn giận dữ có thể phá hỏng mục tiêu an ninh của nước này và biến Bán đảo Triều Tiên thành "hoang mạc".

Hà Linh/Báo Tin Tức
Tổng thống Trump hợp tác với Tổng thống Assad - Cách duy nhất chấm dứt xung đột Syria?
Tổng thống Trump hợp tác với Tổng thống Assad - Cách duy nhất chấm dứt xung đột Syria?

Liệu rằng khi không có đối tác thay thế, Tổng thống Mỹ Donald Trump có buộc phải hợp tác với Tổng thống Syria Bashar al-Assad?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN