Trong khi đó, Reuters đưa tin ít nhất 50 người đã thiệt mạng và hơn 150 người vẫn mất tích trong thảm họa này.
Ít nhất 30 người được cho là đã mắc kẹt trong đường hầm đầy bùn và đá nói trên. Trước đó, có nhiều hy vọng rằng những người mắc kẹt bên trong có thể sống sót nhờ các túi khí. Dự báo nước sông có thể lại dâng cao, tuy nhiên người dân địa phương vẫn tụ tập quanh khu vực hầm ngày 14/2 để chờ tin tức mới của người thân. Lực lượng cứu hộ đang nỗ lực chạy đua với thời gian để làm sạch bùn và mảnh vỡ của đường hầm này.
Vụ vỡ sông băng Dhauliganga đã kéo theo lũ quét khiến nhiều người thương vong. Thảm họa này tạo ra "bức tường" nước đổ xuống thung lũng ở bang Uttarakhand, phá hủy nhiều đường sá và cây cầu, đồng thời làm sập hai nhà máy thủy điện. Đây là thảm họa thiên nhiên đã được lường trước và nhiều khả năng sẽ tái diễn tại khu vực vốn đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng của tình trạng biến đổi khí hậu và sự phát triển cơ sở hạ tầng không được kiểm soát chặt chẽ.
Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác đã dẫn đến vụ vỡ sông băng trên, nhưng dư luận cho rằng việc xây dựng các dự án thủy điện tại một khu vực có hoạt động địa chấn cao là yếu tố chính gây nên thảm họa này. Nhiều ý kiến cũng cho rằng tình trạng Trái Đất ấm dần lên cũng là một trong những yếu tố cần tính tới. Một nghiên cứu quy mô lớn thực hiện năm 2019 cho thấy tốc độ tan chảy của các sông băng ở Himalaya đã nhanh gấp đôi so với cách đây 25 năm.