Tổng công suất phát điện ở Indonesia hiện đạt khoảng 55 GW. Khoảng 30 GW được công ty điện lực quốc gia (PLN) sản xuất. Phần còn lại chủ yếu do các ngành công nghiệp sản xuất. 80% trong số công suất điện của PLN được sản xuất từ dầu, khí đốt và than đá, 18% từ thủy điện và 2% từ địa nhiệt.
Điện chiếm khoảng 10% tổng mức tiêu thụ năng lượng của quốc gia vạn đảo, trong đó khoảng 80% điện năng được tiêu thụ trên đảo Bali và Java (hòn đảo tập trung đông dân nhất cả nước).
Trong những năm gần đây, tiêu thụ điện đã tăng 7% mỗi năm. Theo tính toán của các chuyên gia, mỗi phần trăm GDP tăng lên sẽ kéo theo nhu cầu năng lượng tăng 1,6% cho đến năm 2020. Indonesia đã không đáp ứng được việc tăng nhu cầu này dẫn đến tăng tần suất và thời gian mất điện, điều này gây tổn hại cho các ngành công nghiệp địa phương. Những yếu tố này đã đặt ra nhu cầu đa dạng hóa nguồn cung cấp điện cũng như tiết kiệm điện ở Indonesia.
Bắt đầu từ năm 2016, Bộ Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản Indonesia (ESDM) đã khởi xướng phong trào "Cắt giảm, tiết kiệm 10% năng lượng điện", kêu gọi một hành động chung liên quan đến chính phủ, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội dân sự và cá nhân. Theo tính toán, chỉ với 10% lượng điện được tiết kiệm trong khu vực hộ gia đình của Indonesia, sẽ tương đương với việc xây dựng 1 nhà máy điện với công suất khoảng 900 MW và có thể cung cấp năng lượng cho khoảng 2,5 triệu hộ gia đình hoặc tương đương với 10 triệu người.
Việc tiết kiệm điện được bắt đầu từ xây dựng thói quen, lối sống và thái độ tích cực đối với chính những lợi ích của cá nhân. Trong một thời gian dài, chính phủ kêu gọi người dân giảm các thiết bị điện và sử dụng tiết kiệm với khẩu hiệu “Dùng xong là tắt”. Điều này mang lại lợi ích cho chính các gia đình khi hóa đơn tiền điện hằng tháng có thể giảm rõ rệt. Các công sở, trung tâm thương mại, các điểm công cộng cũng được triệt để quán triệt chủ trương này khi sử dụng tối đa các bóng đèn tiết kiệm điện (LED).
Trước sự tăng trưởng nhanh chóng của nhu cầu tiêu thụ điện năng, trong bối cảnh số lượng dự trữ năng lượng hóa thạch hiện vẫn là nguồn cung cấp điện chính ở Indonesia, thì tiết kiệm điện và tìm những giải pháp mới như sử dụng năng lượng tái tạo là vấn đề cấp bách.
Theo kế hoạch, Indonesia dự kiến sẽ nâng mức đóng góp của năng lượng tái tạo lên 23% tổng sản lượng điện của nước này vào năm 2025, chủ yếu để thay thế sử dụng dầu thô và hướng đến xu hướng sử dụng năng lượng sạch. Các công ty khai thác than hàng đầu Indonesia cũng đang lên kế hoạch đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo nhằm đa dạng hóa đầu tư cũng như nắm bắt xu hướng phát triển chung.
Với đặc điểm là một quốc gia quần đảo, nằm trải dài và rộng trên biển, Indonesia rất giàu tiềm năng về năng lượng mặt trời, gió, sóng biển, địa nhiệt, sinh khối, thủy điện… và nguồn năng lượng tái tạo. Với việc chuyển hướng phát triển sang xây dựng một nền kinh tế xanh, tăng trưởng bền vững, Chính phủ Indonesia đang khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Để phát huy thế mạnh này, Chính phủ Indonesia đã ban hành chính sách thuế ưu đãi cho việc phát triển điện năng từ các nguồn năng lượng sinh khối, rác thải và địa nhiệt.
Đã có hàng trăm khu vực ở Indonesia được phát triển và lắp đặt các trạm điện năng lượng mặt trời. Tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng mặt trời được coi là một giải pháp để giảm lượng tiêu thụ điện từ những phương pháp sản xuất truyền thống, đồng thời đáp ứng nhu cầu điện trong tương lai. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất thiết bị phát điện sử dụng năng lượng mặt trời có thể tạo ra nhiều việc làm mới và tác động tích cực đến nền kinh tế đất nước.
Bộ Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản Indonesia cũng đã đề ra quy định đặc biệt nhằm kiểm soát và giám sát sự phát triển của việc sử dụng tiềm năng tầng thượng các tòa nhà và để “mái nhà năng lượng mặt trời” được phổ biến rộng rãi trên toàn quốc. Điều đó cũng sẽ thúc đẩy sự phát triển của sản xuất và dịch vụ pin mặt trời quốc gia với tiềm năng tạo ra khoảng 2,5 giga watt điện và 130.000 việc làm mới trên khắp Indonesia.
Tuy nhiên, việc phát huy tiềm năng năng lượng tái tạo ở Indonesia còn hạn chế. Do nhiều nguyên nhân. Một tấm pin năng lượng mặt trời có công suất lớn nhất 1 kW (kWP) có giá khoảng 1.000 USD, cộng với chi phí lắp đặt… có thể lên tới 3.500 USD. Mức giá này không dành cho phần lớn cư dân thành thị và bán thành thị ở Indonesia với mức lương tối thiểu hàng tháng khoảng 300-500 USD.
Một trong các yếu tố khiến giá thành các tấm pin mặt trời cao là do yêu cầu tỷ lệ nội địa hóa đối với công nghệ tấm pin mặt trời đã dẫn đến chi phí cao hơn cho các dự án năng lượng do quy mô sản xuất tấm pin mặt trời tương đối nhỏ ở Indonesia. Do đó, giá của tấm pin mặt trời ở Indonesia không thể cạnh tranh với giá quốc tế.
Bên cạnh đó, chủ sở hữu các cơ sở lắp đặt tấm pin mặt trời trên mái nhà hiện chưa thể bán lượng điện dư thừa cho PLN do chưa có cơ chế cài đặt kết nối song song từ những tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà với mạng điện của PLN.
Nhu cầu mạnh mẽ từ các ngành công nghiệp thương mại và đa quốc gia về năng lượng mới và bền vững có thể mở rộng thị trường năng lượng tái tạo ở Indonesia. Công nghệ “năng lượng mặt trời từ mái nhà” hiện được coi là lựa chọn tốt nhất trong ngắn hạn để Indonesia bắt đầu chuyển đổi xu hướng năng lượng.
Tổng thư ký Hiệp hội Điện lực Indonesia, Heru Dewanto, cũng cho biết hiện có 250 công ty hoặc tổ chức quốc gia và quốc tế quan tâm đến việc đầu tư phát triển ngành điện của Indonesia, bao gồm cơ sở hạ tầng điện, nguồn năng lượng mới và tái tạo, đặc biệt là công nghệ lưu trữ năng lượng. Ngành công nghiệp này đang được coi là một yếu tố quan trọng trong việc phát triển năng lượng tái tạo và dự kiến sẽ trở thành một trong những ngành công nghiệp hỗ trợ chính trong ngành điện hiện đại ở Indonesia.