Theo tờ The National, phát biểu tại cuộc họp báo ngày 21/9, ông Mmadi Reuben, quan chức thú y hàng đầu tại Công viên Quốc gia và Động vật hoang dã của Botswana (DWNP) cho biết giới khoa học và các nhà điều tra đã phát hiện ra nguyên nhân nói trên. Theo ông, vẫn còn nhiều câu hỏi cần được làm rõ như tại sao chỉ có voi bị ảnh hưởng, trong khi nhiều động vật hoang dã khác ở khu vực lân cận không làm sao.
Trong khi đó, theo ông Cyril Taolo, Phó giám đốc DWNP, số lượng voi chết tại Botswana đã tăng lên 330 con kể từ khi ghi nhận trường hợp đầu tiên trong tháng 5 vừa qua.
Botswana có số lượng cá thể voi lớn nhất thế giới, ước tính khoảng 130.000 con. Ở nước láng giềng Zimbabwe, hơn 20 xác voi đã được phát hiện gần công viên trò chơi lớn nhất nước này vào đầu tháng 9. Giới chức trách tại đây cũng nghi ngờ những cá thể voi này đã nhiễm vi khuẩn. Điểm chung là hai quốc gia vùng Nam Phi này đều thuộc khu vực có mức nhiệt độ tăng nhanh gấp đôi so với toàn cầu.
Vi khuẩn lam (Cyanobacteria) là một cấu trúc sinh vật siêu nhỏ tồn tại phổ biến trong nước và đôi khi là cả trong đất. Không phải mọi vi khuẩn lam đều tạo ra độc tố, nhưng các nhà khoa học cho rằng độc tính của vi khuẩn này ngày một cao do biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ tăng trên toàn cầu.
Giáo sư chuyên nghiên cứu về vi khuẩn lam Patricia Glibert thuộc Đại học Maryland cho rằng mức tăng nhiệt này ở trong một điều kiện cụ thể về không gian, thời gian, địa điểm phù hợp có thể khiến vi khuẩn lam phát tán mạnh.