Sáng 29/11 vừa qua, tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đã tới đỗ tại một quân cảng ở thành phố Tam Á thuộc tỉnh Hải Nam. Việc này không chỉ chứng thực thông tin lan truyền trước đây rằng Trung Quốc đang xây dựng căn cứ tàu sân bay thứ hai tại Tam Á, mà còn phát đi nhiều tín hiệu liên quan.Ảnh vệ tinh của căn cứ tàu sân bay Tam Á. Ảnh: Google Map. |
Sáng 26/11, tàu sân bay Liêu Ninh đã rời căn cứ ở thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông lên đường đến Biển Đông làm nhiệm vụ huấn luyện và thí nghiệm khoa học. Rạng sáng 28/11, tàu Liêu Ninh đi qua Eo biển Đài Loan và tới sáng 29/11 cập bến một quân cảng thuộc thành phố Tam Á bên bờ Biển Đông.
Điều này cho thấy sau căn cứ đầu tiên tại Thanh Đảo, Trung Quốc đã có căn cứ tàu sân bay thứ hai, hơn nữa, căn cứ này đã được chính thức đưa vào sử dụng.
Thông tin lan truyền trước đây rằng Trung Quốc dường như đang xây dựng căn cứ tàu sân bay thứ hai ở đảo Hải Nam lấy Vịnh Á Long làm trung tâm, nhằm đáp ứng nhu cầu đậu đỗ lâu dài của tàu ngầm hạt nhân chiến lược và tàu sân bay cỡ lớn, rốt cuộc đã được chứng thực.
Quan trọng hơn, trong chuyến đi tới Biển Đông lần này, tàu sân bay Liêu Ninh không hề cô đơn. Theo thông báo chính thức, cùng đi với tàu Liêu Ninh còn có 2 tàu khu trục tên lửa 051C là Thẩm Dương và Thạch Gia Trang; 2 tàu hộ vệ 054A là Yên Đài và Duy Phường. Một biên đội tàu chiến đấu sân bay tuy chưa đầy đủ, nhưng đã bắt đầu thành hình và nó đòi hỏi Tam Á phải trở thành một quân cảng cỡ lớn mang tính tổng hợp. Bởi ngoài việc phải có cảng tránh gió, đê chắn sóng, cầu tàu đạt chuẩn, căn cứ tàu sân bay cần có thêm nhiều hạ tầng nữa.
Theo chuyên gia quân sự Tống Trung Bình của Trung Quốc, nó bao gồm căn cứ dịch vụ cỡ lớn để đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, vui chơi của đại đa số nhân viên trên tàu sân bay, căn cứ không quân để máy bay trên tàu sân bay lên bờ bảo dưỡng, căn cứ hậu cần đảm bảo cung cấp xăng dầu, đạn dược…
Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả. Việc Trung Quốc đưa vào sử dụng căn cứ tàu sân bay thứ hai còn củng cố thêm giả thiết rằng Trung Quốc đã khởi công đóng chiếc tàu sân bay thứ hai. Giới quân sự Trung Quốc hơn một lần biểu thị quy mô phát triển tàu sân bay của Trung Quốc sẽ được xác định dựa theo nhu cầu bảo vệ quyền lợi biển của nước này.
Trả lời phỏng vấn tờ “Nam Phương Đô thị báo”, chuyên gia tàu sân bay cuối tháng 11/2013, nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu Học thuật Quân sự Hải quân Trung Quốc, ông Lý Kiệt, chỉ rõ một nước lớn hoặc một cường quốc tuyệt đối không chỉ có một chiếc tàu sân bay. Ở phạm vi quốc tế, việc sử dụng tàu sân bay được tiến hành theo nguyên tắc: 1 chiếc trực chiến, 1 chiếc huấn luyện và 1 chiếc bảo dưỡng.
Nói một cách khác, một nước lớn chí ít phải có 3 chiếc tàu sân bay. Xem xét tình hình phát triển, khả năng kinh tế và nhu cầu bảo vệ quyền lợi biển trong tương lai, ông Lý Kiệt cho rằng Trung Quốc í nhất phải có từ 3 đến 4 chiếc tàu sân bay.
Trung Quốc đã khởi công đóng chiếc tàu sân bay thứ hai hay chưa, tới nay, chưa có thông tin chính thức xác nhận. Nhưng từ đầu tháng 8, dư luận đã lan truyền thông tin Nhà máy Đóng tàu Giang Nam trên đảo Trường Hưng ở thành phố Thượng Hải, Trung Quốc đã hoàn thành việc xây dựng mô hình phân đoạn của tàu sân bay với kích thước tương tự một phần của tàu sân bay thực. Nhà máy Đóng tàu Đại Liên cũng đang xây dựng một phân đoạn khác mô phỏng tàu sân bay.
Việc này làm dấy lên những nhận định rằng chiếc tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc sẽ được chế tạo theo công nghệ phân đoạn, sau đó, các phân đoạn sẽ được hợp long trong âu tàu. Qua phân tích ảnh vệ tinh chiếc cầu tàu sân bay xuất hiện ở thôn Lục Nhai ở Vịnh Á Long thuộc thành phố Tam Á, tạp chí “Kanwa Defense Review” nhận định tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc sẽ giống với tàu sân bay Liêu Ninh, đều sử dụng động cơ diesel và được trang bị máy bay J-15.
Thành Nam