Tính tới rạng sáng 1/4, khu vực Đông Nam Á có tổng cộng 9.425 ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 975 ca mới. Số người thiệt mạng vì dịch bệnh nguy hiểm đã tăng lên 282 người, nhiều hơn 18 ca so với một ngày trước đó. Tín hiệu đáng mừng là các nước trong khu vực cũng thông báo 1.375 người đã được điều trị thành công và xuất viện.
Malaysia, Philippines, Thái Lan và Indonesia là bốn nước ASEAN phải hứng chịu dịch COVID-19 nặng nề nhất.
Diễn biến dịch COVID-19 tại ASEAN tới hết ngày 31/3
Quốc gia |
Tổng số ca mắc |
Ca mắc mới |
Tổng số ca tử vong |
Ca tử vong mới |
Ca phục hồi |
Malaysia |
2766 |
+140 |
43 |
+6 |
537 |
Philippines |
2084 |
+5 |
88 |
+10 |
49 |
Thái Lan |
1651 |
+127 |
10 |
+1 |
342 |
Indonesia |
1528 |
+114 |
136 |
+14 |
81 |
Singapore |
926 |
+47 |
3 |
0 |
240 |
Việt Nam |
207 |
+3 |
0 |
0 |
58 |
Brunei |
129 |
+2 |
1 |
0 |
45 |
Campuchia |
109 |
+2 |
0 |
0 |
23 |
Myanmar |
15 |
+1 |
1 |
+1 |
0 |
Lào |
9 |
+1 |
0 |
0 |
0 |
Timo Leste |
1 |
0 |
0 |
0 |
0 |
Trong 24h qua, Philippines là quốc gia ASEAN chứng kiến số ca COVID-19 mới tăng mạnh nhất, 5 ca. Nước này cũng ghi nhận thêm 10 ca tử vong, nâng tổng số người thiệt mạng lên 88.
Philippines hiện đứng thứ hai khu vực Đông Nam Á về số ca COVID-19 với 2.084 ca.
Trước tình hình dịch bệnh leo thang nhanh, Philippines cuối tuần qua thông báo Mỹ đã hủy các cuộc diễn tập quân sự thường niên với nước này để tập trung đối phó với dịch viêm đường hô hấp cấp. Cuộc tập trận này mang tên "Vai kề vai" (Balikatan 2020), theo kế hoạch sẽ diễn ra từ ngày 4 đến ngày 15/5 tại Philippines với sự tham gia của hàng nghìn binh sĩ đến từ hai nước.
Tuy nhiên, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương của Mỹ, Đô đốc Phil Davidson, do những hoàn cảnh "đặc biệt" trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát và để đảm bảo sức khỏe và sự an toàn cho lực lượng quân sự của cả 2 nước, cuộc tập trận trên đã bị hủy bỏ.
Tại Indonesia, ngày 31/3, Tổng thống Joko Widodo đã ban bố tình trạng y tế khẩn cấp quốc gia liên quan đến dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và thông báo các biện pháp hỗ trợ người dân có thu nhập thấp. Các biện pháp bao gồm tăng phúc lợi xã hội, hỗ trợ lương thực-thực phẩm và miễn hoặc giảm giá điện.
Ngoài ra, Indonesia cũng có kế hoạch thả tự do khoảng 30.000 tù nhân nhằm tránh trường hợp lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trong các nhà tù quá đông đúc.
Cùng ngày, Ủy ban Bầu cử Indonesia (KPU) đã quyết định hoãn tổ chức cuộc bầu cử khu vực vốn dự kiến diễn ra vào tháng 9 tới nhằm ngăn dịch lây lan ra các vùng nông thôn. KPU cho biết quyết định hoãn bầu cử là “lựa chọn khả thi nhất” trong bối cảnh một số thành viên của cơ quan này đã bị mắc COVID-19. Hiện vẫn chưa rõ cuộc bầu cử khu vực này sẽ được hoãn trong bao lâu, trong khi việc tái khởi động tiến trình bầu cử cần phải được KPU, chính phủ và Hạ viện nhất trí.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi thông báo chính phủ nước này quyết định cấm nhập cảnh và quá cảnh đối với toàn bộ hành khách nước ngoài để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Theo Ngoại trưởng Marsudi, quyết định trên không tính tới người nước ngoài có giấy phép lưu trú và một số chuyến thăm ngoại giao. Ngoại trưởng Marsudi cũng cho biết Chính phủ Indonesia sẽ tăng cường kiểm tra các công dân nước này khi họ trở về nước.
Indonesia tới ngày 31/3 đã có 1.528 ca nhiễm bệnh và 136 ca tử vong do COVID-19. Một số chuyên gia cho rằng do thiếu bộ xét nghiệm virus SARS-CoV-2 nên con số mắc bệnh ở Indonesia có thể chưa chính xác.
Malaysia vẫn là quốc gia ASEAN có số người nhiễm virus SARS-CoV-2 nhiều nhất. Trong vòng 24h qua, Malaysia đã ghi nhận thêm 140 ca nhiễm bệnh mới, nâng tổng số lên 2.766 trường hợp. Nước này cũng đã có 43 người tử vong vì COVID-19, tăng 6 ca so với ngày 30/3.
Hãng tin Bernama của Malaysia ngày 31/3 đăng bài viết “Người dân còn ương bướng đến bao giờ?” để phê phán một bộ phận người dân nước này đến nay vẫn có thái độ không nghiêm túc trong việc chấp hành các biện pháp phòng chống dịch của chính phủ.
Theo bài báo này, cơ quan chức năng Malaysia đã làm mọi cách, từ vận động, thuyết phục, cho đến cảnh báo để buộc người dân phải ở nhà, thậm chí đã đưa một số người vi phạm ra tòa, song cho đến nay, sau gần 2 tuần thực hiện Mệnh lệnh Kiểm soát Di chuyển (MCO), tại quốc gia này vẫn còn khá nhiều người tỏ ra bất hợp tác.
Tại Thái Lan, chính phủ nước này đã đặt mục tiêu giảm 90% hoạt động đi lại của người dân nhằm kiềm chế dịch bệnh. Sau khi chính phủ thực hiện những biện pháp khuyến khích người dân hạn chế ra ngoài, hoạt động đi lại của người dân trong thời gian 1 tuần tính đến ngày 28/3 đã giảm 46% so với thời gian trước đó. Số lượng sử dụng xe ô tô cá nhân giảm 41%, trong khi số hành khách đi lại bằng tàu điện giảm 59%.
Ngoài ra, lượng hành khách sử dụng tàu hỏa liên thành phố giảm 65% và hành khách đi lại bằng đường thủy giảm 40%. Người phát ngôn Trung tâm quản lý tình hình COVID-19 (CCSA) Taweesin Visanuyothin cho rằng Thái Lan sẽ phải tiếp tục đề nghị người dân hợp tác hơn để đạt được mục tiêu giảm 90% hoạt động đi lại trong bối cảnh các ca nhiễm mới ở Thái Lan đang tiếp tục tăng, trong đó số bệnh nhân ở các tỉnh khác đang tăng nhanh hơn so với ở Bangkok.
Giới chức y tế Thái Lan ngày 31/3 cho biết nước này đã ghi nhận thêm 127 ca nhiễm mới và 1 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca bệnh lên 1.651 bệnh nhân và tổng số trường hợp tử vong lên 10 người.
Trước thực trạng số lượng các ca nhiễm mới tiếp tục tăng, Chính phủ Thái Lan đã trấn an đội ngũ y tế cùng các quan chức nhà nước và tình nguyện viên rằng họ sẽ được cung cấp đủ khẩu trang. Phó Thủ tướng Wissanu cho biết tổng cộng có 2,3 triệu khẩu trang được sản xuất mỗi ngày, trong đó 1,3 triệu chiếc sẽ được phân bổ cho Bộ Y tế để cung cấp cho nhân viên y tế tại các bệnh viện trên toàn quốc và 1 triệu chiếc còn lại sẽ được Bộ Nội vụ phân bổ cho các tỉnh. Tuy nhiên, người tiêu dùng bình thường được đề nghị kiên nhẫn và chờ đợi thêm vài ngày nữa cho đến khi chính phủ có thể chuyển hàng tới các cửa hàng ở địa phương.
Bộ Y tế Campuchia ngày 31/3 cho biết nước này đã ghi nhận thêm 2 ca nhiễm bệnh ở thành phố Siem Reap, nâng tổng số trường hợp mắc COVID-19 lên 109 người. Các ca nhiễm mới là 2 mẹ con người Campuchia, mẹ 39 tuổi và con trai 12 tuổi.
Trước đó, chồng của ca bệnh mới này cũng đã bị nhiễm virus SARS-CoV-2 sau khi tham gia một sự kiện tôn giáo ở Malaysia hồi cuối tháng 2. Đến nay, tại Campuchia có 23 ca đã khỏi bệnh.
Myanmar ngày 31/3 đã xác nhận ca tử vong đầu tiên do COVID-19 và 14 ca mắc bệnh cho đến nay, chủ yếu là người từ nước ngoài trở về.
Tình hình dịch COVID-19 tại các nước thành viên ASEAN khác như Brunei, Lào hay Timor Leste trong ngày không có biến động lớn và hiện lần lượt có số người mắc COVID-19 là 129, 9 và 1.