Trong tháng 3/2024, nhóm dịch vụ có mức tăng giá cao nhất là giáo dục (tăng tới 52,7%), thông tin liên lạc (tăng 15,9%), dịch vụ điện, nước (tăng 13,3%) và giao thông vận tải (tăng 13%).
Mặc dù số liệu do INDEC đưa ra cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng vừa qua tiếp tục xu hướng hạ nhiệt so với mức tăng 13,2% trong tháng trước đó và mức 20,6% trong tháng 1/2024, lạm phát tại nền kinh tế lớn thứ 3 Mỹ Latinh này vẫn ở mức rất cao, tăng 287,9% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 51,6% kể từ đầu năm 2024. Đây là mức tăng lạm phát cao nhất trên thế giới hiện nay.
Ngoài ra, người dân Argentina vẫn tiếp tục cảm thấy sức ép nặng nề của lạm phát, với chi phí gia tăng đối với các hàng hóa và dịch vụ thiết yếu, bao gồm thực phẩm và dịch vụ y tế.
Chuyên gia kinh tế Aldo Abram cho rằng đà tăng CPI chậm lại không được coi là một sự cải thiện đối với đời sống của người dân, vì lạm phát hạ nhiệt là do hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ và tiêu dùng sụt giảm trong bối cảnh suy thoái.
Cùng chung nhận định trên, cựu Bộ trưởng Kinh tế Argentina Domingo Cavallo, người được Tổng thống Javier Milei coi là "nhà kinh tế giỏi nhất trong lịch sử Argentina", viết trên blog cá nhân rằng xu hướng lạm phát tăng chậm lại đi kèm với sự sụt giảm mạnh về hoạt động kinh tế.
Tổng thống Milei đã thừa nhận tình hình kinh tế sẽ trở nên phức tạp hơn do các chỉ số ban đầu cho thấy doanh số bán hàng và hoạt động sản xuất trong tháng 3/2024 có xu hướng sụt giảm.
Số liệu về kinh tế mới nhất của Argentina được INDEC công bố cho thấy GDP của nước này trong tháng 1/2024 đã sụt giảm 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái.