Theo hãng tin AFP của Pháp, ngày 27/11, tình hình tại thủ đô Honiara và nhiều khu vực đã ổn định. Các trạm xăng, cửa hàng và các cơ sở kinh doanh khác bắt đầu mở cửa hoạt động trở lại. Người dân đổ xô đi mua nhu yếu phẩm và các vật dụng cơ bản.
Trước đó, theo các phương tiện truyền thông, các cuộc biểu tình của người dân ở Malaita - hòn đảo đông dân nhất của Quần đảo Solomon - nổ ra từ tối 24/11 nhằm phản đối một loạt vấn đề trong nước và yêu cầu Thủ tướng Manasseh Sogevare từ chức.
Trong bối cảnh các cuộc biểu tình và bạo động khiến Quần đảo Solomon rơi vào tình trạng hỗn loạn, ngày 26/11, Toàn quyền Quần đảo Solomon David Vunagi đã ban bố lệnh giới nghiêm ban đêm ở thủ đô Honiara. Australia đã cử 100 cảnh sát đến quần đảo ở Nam Thái Bình Dương này nhằm hỗ trợ chính quyền sở tại sớm ổn định tình hình. Nước láng giềng Papua New Guinea cũng điều 35 cảnh sát và nhân viên an ninh tới thủ đô Honiara trong ngày 26/11.
Theo báo cáo sơ bộ, trong những ngày qua, các phần tử quá khích đã đốt phá và cướp bóc tại 56 tòa nhà, cửa hàng ở thủ đô, gây thiệt hại ước tính 28 triệu USD.
Trước đó, cộng đồng quốc tế đã bày tỏ quan ngại về diễn biến tại Solomon. Ngày 26/11, phó phát ngôn viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, ông Farhan Haq cho hay nhà lãnh đạo này đang theo dõi diễn biến tình hình tại thủ đô Honiara với sự lo ngại và kêu gọi chấm dứt bạo lực, bảo vệ các thành quả xây dựng hòa bình khó khăn lắm mới đạt được.
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price ra tuyên bố khẳng định Washington ủng hộ việc khôi phục hòa bình và an ninh ở Quần đảo Solomon. Mỹ kêu gọi tất cả các bên không phá hoại tài sản, tham gia cuộc đối thoại mang tính xây dựng và đa đại diện nhằm tìm giải pháp hòa bình cho những bất đồng.
Trung Quốc cũng bày tỏ quan ngại về tình hình tại Solomon. Phát biểu ngày 26/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói: "Trung Quốc lên án hành động bạo lực gây ra thiệt hại nghiêm trọng".