Tuy nhiên, Sputnik-V lại không phải là loại vaccine mà các nước thành viên EU đã phê chuẩn. Thực tế này đang gây khó khăn, bất cập cho không ít công dân của khối.
Anh Duccio Armenise chia sẻ với Al Jazeera: “Chúng ta đang ở giữa một dịch bệnh và tôi đã chứng kiến tác động của COVID-19 đến một số người bạn do đó tôi thực sự sợ hãi. Tôi không muốn phải đối mặt với COVID-19 mà không có kháng thể do vậy tôi lựa chọn tiêm vaccine”.
Duccio Armenise cũng dự đoán sẽ có vấn đề phát sinh khi quay trở về Italy bởi Sputnik không được sử dụng trong Liên minh châu Âu (EU) nhưng anh tự tin rằng đến thời điểm đó mọi thứ sẽ khác.
Vài tháng sau, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn chưa thông qua Sputnik trong khi EU vẫn đang đánh giá loại vaccine này còn Italy chưa hề cấp “Thẻ xanh” cho những người tiêm Sputnik.
Hiện nay, khi đã về Italy, do không có “Thẻ xanh” nên Armenise chưa thể đến văn phòng làm việc hoặc vào quán cà phê, nhà hàng, bể bơi…
Duccio Armenise bị mắc kẹt bởi vì các rủi ro y tế, anh chưa thể tiêm loại vaccine phòng COVID-19 khác trong khi hai lựa chọn được đưa ra lại ngoài tầm với. Đó là cứ 3 ngày anh cần phải xét nghiệm COVID-19 một lần để nhận được “Thẻ xanh” hoặc nhiễm COVID-19 và hồi phục. Mỗi lần xét nghiệm COVID-19 có giá 15 euro, tương đương với 150 euro mỗi tháng được coi là quá đắt đỏ đối với Duccio Armenise.
Điều này khiến Duccio Armenise phải than thở: “Vẫn chưa có thời điểm, hướng dẫn cho những trường hợp ở trong tình huống của tôi”
Theo quy định của Italy, từ tháng 8, việc trình “Thẻ xanh” là bắt buộc để đến các nhà hàng, phòng tập, hội nghị, nơi tổ chức sự kiện thể thao… Từ tháng 9, “Thẻ xanh” là yêu cầu bắt buộc đối với những hành khách di chuyển bằng máy bay, tàu thủy, tàu hỏa, xe buýt hoặc đến học các trường đại học. Từ 15/10, người lao động sẽ phải xuất trình “Thẻ xanh” để vào nơi làm việc.
Hiện chưa có số liệu chính xác về số người không thể nhận “Thẻ xanh” tại Italy vì tiêm loại vaccine chưa được thông qua như trường hợp của Duccio Armenise tuy nhiên các chuyên gia ước tính con số này vào khoảng 100.000 người đã tiêm Sputnik (Nga), Sinopharm (Trung Quốc) và Soberana (Cuba).
Luca Franzoi tiêm Sinopharm tại Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và khi trở về Italy vào đầu năm nay, anh đã không thể nhận được “Thẻ xanh” đồng thời buộc phải bỏ tiền túi để xét nghiệm COVID-19 thường xuyên.
Luca Franzoi bộc bạch: "Tôi hiểu lý do đằng sau việc này nhưng cảm thấy như trường hợp của mình không hề được cân nhắc. Không chỉ có mình tôi rơi vào tình huống này: đã tiêm vaccine nhưng không được công nhận và không thể tiêm vaccine tại chính quốc gia của mình".
Một nguồn tin tại Ủy ban châu Âu chia sẻ với Al Jazeera rằng Italy có thể ghi nhận những vaccine COVID-19 chưa được EU thông qua.
Luật sư Camino Mortera-Martinez tại Trung tâm Cải cách châu Âu ở Brussels (Bỉ) nhận định: “Tôi cho rằng tình huống người dân Italy phải đối mặt hiện nay là lựa chọn của Italy thay vì lựa chọn của EU”.