Kiểm đồng USD (trái) tại một ngân hàng ở An Huy, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN |
Năm ngoái, Mark Hart (45 tuổi) nhà sáng lập công ty Corriente Advisors, cho rằng đồng NDT sẽ giảm hơn 50% giá trị ,song hiện tại ông lại tin rằng đồng tiền này đang tăng giá.
Đặt trụ sở tại Texas (Mỹ), mất hàng đêm để liên lạc với bên Hong Kong, theo dõi tin tức thị trường và tỷ giá hối đoái, cuộc sống cá nhân của Hart đã bị thay đổi do căng thẳng và các nhân viên công ty ông đều nản chí.
Hart chia sẻ qua một cuộc phỏng vấn điện thoại với Bloomberg: “Tôi luôn nghĩ rằng chúng tôi có một cuộc làm ăn sẽ đem lại kết quả tốt tương xứng với rủi ro của nó, nhưng chúng tôi đã phạm phải nhiều sai lầm, bao gồm việc vào cuộc quá sớm”. Ông đặt cược sớm vào đồng NDT sau khủng hoảng cho vay thế chấp bất động sản dưới chuẩn ở Mỹ và khủng hoảng nợ ở châu Âu. Tuy nhiên, thế giới đã thay đổi.
Nhà đầu từ Hart cho rằng Hội nghị thượng đỉnh G20 năm ngoái là một bước ngoặt quan trọng khiến cho đồng NDT không bị mất giá. Giống như nhiều nhà đầu tư khác, Hart nghi ngờ trong hội nghị đã có một thỏa thuận ngầm giữa các nhà lãnh đạo thế giới để ngăn chặn tình trạng mất giá của đồng NDT. Ông tin rằng đó là khoảnh khắc “bằng mọi cách” của Trung Quốc - khi các nhà lập pháp quyết tâm đỡ đồng NDT bằng bất kỳ giá nào.
Bất chấp việc Trung Quốc có nhận được sự giúp đỡ từ các quốc gia G20 khác hay không, chính quyền nước này rõ ràng đã thành công trong việc ổn định tỷ giá hối đoái. Tháng 12 năm ngoái, đồng NDT đã chấm dứt 3 năm mất giá và tăng gần 7% trong năm 2017, đánh dấu mức giao dịch mạnh mẽ nhất trong hơn 1 năm.
Thậm chí ngay tại thời điểm suy yếu nhất, đồng NDT chưa bao giờ giảm thấp đến mức để đem lại sự khác biệt cho vụ đặt cược của Hart. Quỹ đầu tư Trung Quốc của Hart lúc này đứng giữa hai hướng: hưởng lợi nhuận khủng khi NDT giảm giá mạnh, hoặc gần như hoàn toàn mất trắng nếu tình trạng mất giá không diễn ra.
Tuy nhiên, ngay từ đầu thương vụ này Hart đã thiệt hại. Sau khi duy trì ổn định trong vòng 6 tháng đầu năm 2010, đồng NDT tăng liên tục trong ba năm rưỡi tiếp theo. Cuối cùng, đồng NDT cũng giảm giá những hiện tượng giảm giá mạnh như Hart mong đợi chưa bao giờ xảy ra. Hậu quả Hart mất khoảng 240-250 triệu USD.
Theo Hart giải thích, sai lầm lớn nhất của ông là tin rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc vì lợi ích tốt nhất của quốc gia sẽ để đồng NDT trượt giá. Tuy nhiên, các nhà lập pháp lại ra sức nâng đỡ đồng tiền này, thắt chặt kiểm soát vốn và nhanh chóng tiêu hết 800 tỷ USD dự trữ ngoại tệ trong hai năm qua. Đối với Hart, đó là một tính toán sai lầm hiếm xảy ra.
Hart không phải là nhà đầu tư duy nhất dự đoán đồng NDT mất giá. Kyle Bass của Quỹ Quản lý nguồn vốn Hayman – người từng làm việc với Hart trong vụ cá cược vay thế chấp bất động sản dưới chuẩn, tháng 2/2016 cho rằng đồng NDT sẽ mất giá 30%. Các nhà quản lý từ Quỹ David Tepper đến quỹ Crispin Odey đều có chung suy nghĩ từ năm 2015.
Trong khi một số quỹ đầu tư vẫn đang mắc kẹt với vụ cá cược của mình, Hart cho biết làn sóng đã chuyển hướng sang có lợi cho Trung Quốc. Các ngân hàng trung ương và nhà đầu tư nước ngoài đã mua vào đồng NDT khi Trung Quốc đang từng bước hội nhập với hệ thống tài chính toàn cầu, sau khi dự án “Vành đai và Con đường” cho phép Trung Quốc thắt chặt quan hệ thương mại dọc suốt châu Á, châu Âu, Trung Đông và châu Phi.
Ông Hart nhận định chính sách kiểm soát vốn của Bắc Kinh, bao gồm hạn chế các hoạt động sát nhập của các doanh nghiệp Trung Quốc ở nước ngoài, đã được chứng minh khá hiệu quả. “Tôi không ngờ rằng nhiều người giàu Trung Quốc lại mua các câu lạc bộ bóng đá lớn ở nước ngoài đến vậy”.
Đối với Trung Quốc, nợ doanh nghiệp đạt mức kỷ lục vẫn đang là một thách thức, song quốc gia này đang bắt đầu hưởng những lợi ích từ hệ thống cơ sở hạ tầng “đẳng cấp thế giới” và ngành kỹ thuật phát triển.