Tờ Guardian đưa tin, hôm 4/1, tòa án cấp cao Lahore đã ra phán quyết rằng hành vi kiểm tra trinh tiết đối với các nữ nạn nhân bị cưỡng hiếp là không có cơ sở pháp lý, đồng thời xâm phạm nhân phẩm của nạn nhân.
Là người ra phán quyết trên, Thẩm phán Ayesha Malik cho biết: “Kiểm tra nghiệm trinh tiết là hành vi có tính xâm lấn cao, không có cơ sở khoa học hoặc y tế, song được thực hiện dưới danh nghĩa các quy trình y tế trong các vụ tấn công tình dục. Đó là một hành vi làm nhục, gây nghi ngờ cho nạn nhân, trái ngược với việc tập trung vào bị cáo và vụ việc".
Trong báo cáo năm 2018, Liên hợp quốc cho biết các biện pháp kiểm tra trinh tiết - cuộc kiểm tra kín về mặt y học đối với màng trinh của phụ nữ - vẫn diễn ra ở 20 quốc gia và có thể được tiến hành khi có hoặc không có sự đồng ý trong các vụ án hiếp dâm hoặc khi một phụ nữ bị buộc “tội đạo đức” khi quan hệ tình dục trước hôn nhân hoặc bỏ trốn.
Quan hệ tình dục trước hôn nhân vẫn bị coi là một hành vi phạm pháp ở Pakistan đối với cả nam lẫn nữ. Người vi phạm sẽ bị phạt 5 năm tù giam.
Bà Nighat Dad, luật sư kiêm nhà hoạt động nhân quyền chia sẻ với Guardian: “Phán quyết trên là đỉnh cao của chủ nghĩa tích cực và được xây dựng trên sự nỗ lực mà phong trào nữ quyền đã theo đuổi nhiều thập kỷ qua. Những rào cản mà người phụ nữ phải đối diện khi khai báo bị cưỡng hiếp là không thể vượt qua, nhưng phán quyết lịch sử này sẽ góp phần phá bỏ những rào cản đó”.
Vào tháng 10/2020, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết kiểm tra trinh tiết từ lâu đã trở thành một phần thường xuyên của thủ tục tố tụng hình sự ở Pakistan, dựa trên một giả định sai lầm rằng một phụ nữ thường xuyên quan hệ tình dục ít có khả năng bị cưỡng hiếp hơn. Cảnh sát và các công tố viên đã sử dụng kết quả này để buộc tội các nạn nhân hiếp dâm có hành vi giao cấu trái phép và coi họ như tội phạm.
Bộ trưởng Nhân quyền Pakistan Shireen Mazari đã ca ngợi phán quyết trên, đồng thời cho biết lệnh cấm mới này sẽ chỉ áp dụng ở bang Punjab.