Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, hồi tháng 11, Niger đã đệ đơn lên Tòa án công lý của ECOWAS cho rằng các lệnh trừng phạt, trong đó có cắt giảm nguồn lương thực và thuốc men đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới người dân trong nước. Lãnh đạo chính quyền quân sự Niger đã yêu cầu tạm ngừng các biện pháp trừng phạt trước khi có phán quyết cuối cùng về vấn đề này.
Tuy nhiên, tòa án mới đây đã bác bỏ vụ kiện và cho rằng chính quyền quân sự không đủ tư cách để khởi kiện vụ án thay mặt cho đất nước Niger. Theo Thẩm phán Dupe Atoki, chính quyền quân sự Niger không phải chính phủ được công nhận hay là thành viên của ECOWAS. Do đó, vụ kiện đã bị bác bỏ do không đủ cơ sở kết luận.
Ngày 26/7 vừa qua, một nhóm sĩ quan thuộc Lực lượng cận vệ Tổng thống Niger đã bắt giữ Tổng thống Mohamed Bazoum và thành lập chính phủ chuyển tiếp. Vụ việc đánh dấu thêm một cuộc đảo chính khác xảy ra ở khu vực Sahel của châu Phi trong vài năm gần đây.
Niger từng là đối tác quan trọng của các nước phương Tây. Nhưng kể từ sau cuộc đảo chính, nước này đã thu hồi các hiệp ước an ninh với Liên minh châu Âu (EU)và Pháp, đồng thời chấm dứt hai hiệp ước với Pháp về hợp tác và hỗ trợ hành chính trong các vấn đề thuế. Trong tháng 10, chính quyền quân sự Niger cho biết đã cắt giảm 40% chi tiêu theo kế hoạch của năm 2023 trong bối cảnh các lệnh trừng phạt gây ra nhiều khó khăn cho một trong số quốc gia nghèo nhất thế giới.