Mỹ vẫn là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch bệnh, với trên 83,24 triệu ca mắc, trong đó trên 1 triệu ca tử vong. Mỹ hiện đang lo ngại về việc một biến thể phụ mới dễ lây lan của Omicron đang lan rộng trên cả nước trong bối cảnh số ca mắc ở nước này đang tăng trở lại. Theo dữ liệu được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố ngày 3/5, dòng phụ mới của Omicron được gọi là BA.2.12.1 đã gây ra 36,5% số ca mắc mới ở nước này trong tuần kết thúc vào ngày 30/4, tăng so với 26,6% một tuần trước đó và tăng so với 16,7% hai tuần trước đó.
Dòng phụ mới của Omicron cũng đã lây lan ở Australia. Cơ quan Y tế của Australia ngày 4/5 thông báo nước này vừa ghi nhận 3 dòng phụ mới của biến thể Omicron ở các bệnh nhân mắc COVID-19, bao gồm biến thể BA.2.12.1, BA.4 và BA.5. Giới chức y tế Australia đã lên tiếng cảnh báo người dân cần thận trọng trong mùa Đông năm nay (bắt đầu từ tháng 6 kéo dài đến hết tháng 9) do khả năng gia tăng đột biến các trường hợp mắc COVID-19 và bệnh cúm mùa trong bối cảnh chính phủ nước này và chính quyền các bang đang dần dỡ bỏ các biện pháp hạn chế phòng dịch. Theo Nhóm Cố vấn kỹ thuật về tiêm chủng của Australia (ATIGI), sau 3 tháng mắc COVID-19, người dân cần đi tiêm liều vaccine tăng cường sớm nhất có thể.
Tại châu Á, giới chức y tế Lào mới đây cũng khuyến nghị người dân tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19 nhằm củng cố hệ miễn dịch và đáp ứng tiêu chí cần để có thể xin cấp phép xuất cảnh. Phó Tổng cục trưởng Cục Kiểm soát bệnh truyền nhiễm trực thuộc Bộ Y tế Lào, bà Phonepaserd Sayamoungkhoun, nhấn mạnh bất kỳ trường hợp nào nộp đơn xin xuất cảnh sang một quốc gia khác đều phải tiêm mũi tăng cường. Tính đến ngày 4/5, Lào ghi nhận tổng cộng 208.111 ca mắc COVID-19, trong đó có 746 ca tử vong.
Hàn Quốc ngày 4/5 ghi nhận số ca mắc mới giảm xuống dưới 50.000 ca, trong bối cảnh nước này đã dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang ngoài trời nhằm đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường như trước đại dịch. Theo Cơ quan phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh của Hàn Quốc (KDCA), nước này ghi nhận thêm 49.064 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc đến nay lên 17.395.791 ca. Hàn Quốc cũng có thêm 72 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số lên 23.079 ca.
Cùng ngày 4/5, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết Trung Quốc ghi nhận 5.498 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 3/5, bao gồm 362 ca có biểu hiện triệu chứng và 5.136 ca không triệu chứng. Cùng thời gian này, Trung Quốc cũng ghi nhận thêm 16 ca tử vong vì dịch bệnh.
Nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan và tránh nguy cơ phải phong tỏa như thành phố Thượng Hải, thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc ngày 4/5 đã đóng cửa hơn 40 ga tàu điện ngầm, tương đương 10% tổng số nhà ga trong hệ thống, và tạm ngừng vận hành 158 tuyến xe buýt. Chính quyền thành phố cũng kéo dài các biện pháp phòng dịch sau kỳ nghỉ Ngày Quốc tế lao động 1/5, trong đó có việc đóng cửa các khu vui chơi giải trí, phòng tập gym. Lượng người di chuyển trong nội đô cũng sẽ giảm 50% và dịch vụ ăn uống tại nhà hàng sẽ vẫn bị cấm. Trước đó, thành phố Bắc Kinh với 22 triệu dân đã đóng cửa các trường học, cũng như một số cơ sở kinh doanh và tòa chung cư ở các khu vực có nguy cơ cao lây lan dịch COVID-19.
Cũng trong ngày 4/5, chính quyền thành phố Bắc Kinh tuyên bố sẽ rút ngắn thời gian cách ly tập trung đối với khách nhập cảnh vào thành phố này từ 14 ngày xuống còn 10 ngày. Ngoài quy định trên, khách nhập cảnh vẫn phải thực hiện tự cách ly tại nhà trong 7 ngày sau khi thời gian cách ly tập trung kết thúc. Bên cạnh đó, thời gian cách ly đối với những người tiếp xúc gần với ca mắc cũng sẽ được giảm.
Tại Đức, Bộ trưởng Y tế Karl Lauterbach cho biết những trường hợp mắc COVID-19 ở nước này sẽ chỉ phải cách ly trong 5 ngày. Tuy nhiên, ông khuyến nghị người mắc bệnh nên tự xét nghiệm sau ngày thứ 5 để đảm bảo an toàn, nhất là những trường hợp không có triệu chứng. Theo quy định mới, người mắc COVID-19 nếu sau 5 ngày cách ly có kết quả xét nghiệm dương tính vẫn cần tiếp tục cách ly cho tới khi có kết quả xét nghiệm âm tính. Việc cách ly sẽ chỉ áp dụng bắt buộc đối với người mắc bệnh, không còn áp dụng với các trường hợp tiếp xúc gần (F1). Theo quy định trước đây, người mắc COVID-19 ở Đức phải tự cách ly 7 ngày và sau đó có thể chấm dứt cách ly nếu có kết quả xét nghiệm âm tính.