Trong một tuyên bố được đưa ra đúng vào dịp kỷ niệm 10 năm ngày xảy ra sự cố hạt nhân Fukushima sau thảm họa động đất và sóng thần trên, Ngoại trưởng Motegi nêu rõ “Việc một số quốc gia và vùng lãnh thổ vẫn tiếp tục áp đặt các biện pháp hạn chế nhập khẩu thực phẩm của Nhật Bản sau một thập kỷ xảy ra thảm họa này là cực kỳ đáng tiếc”. Ông khẳng định Chính phủ Nhật Bản sẽ nỗ lực hết sức để các biện pháp hạn chế nhập khẩu như vậy được dỡ bỏ trên cơ sở khoa học càng sớm, càng tốt và thúc đẩy các nỗ lực để tăng kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản.
Sau cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima tháng 3/2011, có 54 quốc gia và vùng lãnh thổ áp đặt các biện pháp hạn chế nhập khẩu đối với nông sản và thực phẩm sản xuất ở những khu vực của Nhật Bản bị ảnh hưởng bởi thảm họa này. Tại thời điểm hiện nay, vẫn còn 15 nền kinh tế, trong đó có Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU), duy trì các biện pháp trên. Theo Bộ trưởng Motegi, kim ngạch xuất khẩu nông sản từ Fukushima trong năm 2017 đã tăng lên bằng mức trước khi xảy ra thảm họa và liên tục tăng cao kỷ lục trong ba năm sau đó.
Cũng trong tuyên bố nêu trên, Ngoại trưởng Motegi đã cảm ơn sự hỗ trợ và các thông điệp khích lệ mà chính phủ, tổ chức và người dân trên khắp thế giới gửi tới Nhật Bản sau thảm họa kép năm 2011. Ông nhấn mạnh người dân Nhật Bản sẽ không bao giờ quên lòng tốt và sự hỗ trợ của người dân thế giới sau thảm họa đó.
Các số liệu thống kê của Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho thấy sau thảm họa động đất và sóng thần hồi tháng 3/2011, Nhật Bản đã nhận được các khoản quyên góp bằng tiền mặt có tổng trị giá hơn 17,5 tỷ yen (khoảng 161 triệu USD) cũng như các hàng hóa cứu trợ từ 128 quốc gia, vùng lãnh thổ và các tổ chức.