Theo phóng viên TTXVN tại Buenos Aires, CGT đưa ra quyết định trên sau khi cảnh sát trấn áp những người biểu tình yêu cầu Chính phủ cung cấp tài chính cho các bếp ăn tập thể dành cho những người nghèo. Đây là lần thứ hai kể từ khi Tổng thống cực hữu Milei lên nhậm chức vào ngày 10/12 năm ngoái.
Tổ chức công đoàn lớn nhất Argentina cũng kêu gọi người dân xuống đường tuần hành vào ngày Quốc tế lao động 1/5 và cho biết sẽ hưởng ứng cuộc tuần hành do Mặt trận Công đoàn các trường Đại học Quốc gia kêu gọi vào ngày 23/4 tới để bảo vệ chính sách giáo dục công lập.
Ngày 24/1 vừa qua, 45 ngày sau khi Tổng thống Milei điều hành đất nước, hàng chục nghìn người lao động Argentina đã tham gia cuộc tổng đình công do CGT phát động tại thủ đô Buenos Aires và nhiều tỉnh thành phản đối chính sách “thắt lưng buộc bụng” hà khắc của Chính phủ.
Kể từ khi nhậm chức hồi tháng 12/2023, Tổng thống Javier Milei đã thực hiện kế hoạch điều chỉnh tài khóa, trong đó cắt giảm mạnh chi tiêu công nhằm đạt được cân bằng tài chính. Ngay sau khi được thành lập, Chính phủ Tổng thống Milei tuyên bố phá giá 50% giá trị đồng peso nội tệ; cắt giảm số bộ, từ 18 còn 9 bộ; sa thải nhiều lao động trong khu vực công; giảm trợ cấp phương tiện giao thông công cộng và chăm sóc y tế; giảm ngân sách trung ương phân bổ cho các tỉnh và ngừng mở thầu các dự án hạ tầng sử dụng ngân sách nhà nước.
Trong quý I vừa qua, Chính phủ Argentina đã sa thải 50.000 người lao động làm việc trong khu vực nhà nước và khẳng định sẽ tiếp tục cắt giảm thêm 70.000 người trong tháng 4. Việc sa thải nhân viên, cộng với tình trạng lạm phát vẫn ở mức 2 con số khiến đời sống của người lao động gặp nhiều khó khăn, sức mua giảm, kéo theo các cuộc đình công, biểu tình trên khắp Argentina. Thu nhập thực tế của người dân Argentina sụt giảm trong bối cảnh suy thoái kinh tế và lạm phát cao. Trong tháng 3 vừa qua, lạm phát vẫn ở mức 11% so với tháng trước và tăng tới 287,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Với việc cắt giảm mạnh chi tiêu công, Chính phủ của Tổng thống Milei đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là đạt mức thặng dư ngân sách tương đương 3% GDP trong năm 2024. Tuy nhiên, các chính sách "thắt lưng buộc bụng" lại gây bất đồng giữa chính quyền trung ương và các thống đốc tỉnh bởi các địa phương bị cắt giảm ngân sách dành cho giáo dục, y tế và xây dựng cơ sở hạ tầng.