Quyết định bất ngờ của Tổng thống Ghani được đưa ra sau khi ông Abdullah đã vào vị trí để chuẩn bị bắt đầu bài thuyết trình của mình. Lẽ ra đây sẽ là cuộc tranh luận đầu tiên được truyền hình trực tiếp, trước cuộc bầu cử vào ngày 28/9 tới. Tuy nhiên, Tổng thống Ghani đã không xuất hiện. Theo đó, cuộc tranh luận nhanh chóng biến thành một cuộc phỏng vấn giữa người chủ trì và ông Abdullah.
Nhận định về vấn đề này, ông Abdullah cho rằng: "Ông Ghani không thể tranh luận ở đây. Đây là lối thoát đầu tiên của ông ấy và lối thoát thứ hai của ông ấy sẽ đến sau cuộc bầu cử". Trong khi đó, người phát ngôn của Tổng thống Ghani - ông Shah Hussein Murtazawi đã giải thích về sự vắng mặt này là do "ông Abdullah không có kế hoạch nói chuyện về vấn đề này, đó là lý do tại sao ông ấy không xuất hiện".
Chiến dịch tranh cử tổng thống Afghanistan 2019 phần nào bị lu mờ bởi diễn biến của các cuộc đàm phán hòa bình giữa Mỹ và lực lượng phiến quân Taliban. Đây là lần thứ ba ông Abdullah Abdullah ra tranh cử tổng thống, sau các lần chạy đua năm 2009 và năm 2014 - cùng về vị trí thứ hai.
Ông Ashraf Ghani là người giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2014, nhưng những cáo buộc về gian lận lá phiếu đã buộc ông phải chia sẻ quyền lực theo một thỏa thuận do Mỹ làm trung gian, với một chức danh đặc biệt là "quan chức điều hành cấp cao" được lập ra cho người về thứ nhì là ông Abdullah.
Nhiệm kỳ của Tổng thống Ashraf Ghani đã bị phủ bóng đen bởi bạo lực của phiến quân, dân thường chịu thương vong cao kỷ lục, đấu đá chính trị, sự chia rẽ sắc tộc ngày càng sâu sắc và tâm lý bi quan bao trùm của người dân.
Tình hình an ninh bất ổn ở Afghanistan và các cuộc tấn công của phiến quân đã ngăn cản các ứng cử viên tham gia tranh cử tổng thống lần này, đồng thời làm dấy lên lo ngại về khả năng tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu sẽ rất thấp.