Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CBS ngày 18/9, Tổng thống Joe Biden khẳng định quân đội Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan (Trung Quốc) trong trường hợp vùng lãnh thổ này bị “xâm lược”.
Khi được hỏi liệu các lực lượng Mỹ có bảo vệ đảo Đài Loan trong trường hợp xung đột xảy ra hay không, Tổng thống Biden đã trả lời: “Có chứ, nếu quả thực có một cuộc tấn công từ trước tới nay chưa từng xảy ra".
Tuyên bố trên được đưa ra, một lần hiếm hoi từ giới chức cấp cao tại Washington, trong bối cảnh Chính quyền Tổng thống Biden đang lên kế hoạch yêu cầu Quốc hội Mỹ phê duyệt thương vụ bán vũ khí trị giá 1,1 tỷ USD cho đảo Đài Loan (Trung Quốc).
Tờ Politico ngày 29/8 trích dẫn ba nguồn thạo tin cho biết hợp đồng mua bán trên sẽ bao gồm 60 tên lửa chống hạm Harpoon, 100 tên lửa không đối đất Sidewinder và gia hạn hợp đồng radar giám sát. Trong đó, tên lửa Sidewinder sẽ được trang bị cho máy bay chiến đấu F-16 của Đài Loan do Mỹ sản xuất.
Theo Politico, thỏa thuận mua bán trên không thể hoàn tất cho đến khi Chính phủ Mỹ chính thức thông báo cho Chủ tịch Đảng Dân chủ và các thành viên cấp cao của Đảng Cộng hòa trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và Ủy ban Đối ngoại Hạ viện. Mặc dù thủ tục kể trên có thể cần nhiều thời gian hơn dự kiến do Quốc hội Mỹ đang nghỉ giải lao, nhưng các nhà lập pháp nhiều khả năng sẽ thông qua thỏa thuận này.
Phản ứng về thông tin này, Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ thông tin với đài Sputnik rằng họ sẽ yêu cầu Mỹ ngừng bán vũ khí cho Đài Loan, do vi phạm cơ bản nguyên tắc "Một Trung Quốc".
"Phía Mỹ cần ngay lập tức dừng bán vũ khí và tiếp xúc quân sự với Đài Loan, cũng như dừng gây ra các yếu tố có thể dẫn đến căng thẳng ở eo biển Đài Loan, và tuân theo tuyên bố của Chính phủ Mỹ về việc không ủng hộ Đài Loan độc lập", người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc Liu Pengyu ngày 29/8 phát biểu.
Thời gian qua, căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh leo thang sau khi giới chức Mỹ thực hiện các chuyến thăm tới Đài Loan. Mới đây nhất, các phương tiện truyền thông cho biết một phái đoàn các nhà lập pháp Mỹ hôm 14/8 đã thực hiện chuyến thăm không thông báo trước tới vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc).
Thông cáo của Viện Mỹ tại Đài Loan, cơ quan đại diện cho các quyền lợi của Mỹ trên thực tế ở Đài Loan, nêu rõ một phái đoàn các nhà lập pháp Mỹ đã tới hòn đảo này trong khuôn khổ chuyến thăm 2 ngày. Dẫn đầu phái đoàn nghị sĩ Mỹ lần này là Thượng nghị sĩ Dân chủ Ed Markey.
Trước đó, vào đầu tháng 8, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cũng tới thăm Đài Loan. Chuyến thăm của bà Pelosi đã dẫn tới làn sóng chỉ trích mạnh mẽ của các quan chức Trung Quốc. Bắc Kinh đã triển khai một loạt động thái trả đũa chuyến thăm.
Ngày 5/8, Trung Quốc tuyên bố sẽ ngừng hoặc đình chỉ các cuộc đối thoại với Mỹ về một loạt vấn đề từ biến đổi khí hậu cho tới quốc phòng, cũng như hợp tác chống buôn bán ma túy, để đáp trả Mỹ. Theo Thời báo Hoàn cầu và hãng tin AP, nhà chức trách Trung Quốc đã công bố gói 8 biện pháp nhằm phản ứng lại chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi.
Giới chức Trung Quốc Đại lục nhiều lần cáo buộc Washington đang khiêu khích Bắc Kinh liên quan đến vấn đề Đài Loan, công khai xâm phạm chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc. Trung Quốc muốn nhấn mạnh rằng chìa khóa để duy trì hòa bình và ổn định của Eo biển Đài Loan là nguyên tắc "một Trung Quốc".
Trung Quốc trước nay luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và đang chờ thống nhất, đồng thời kêu gọi quốc tế tôn trọng nguyên tắc "Một Trung Quốc", không chấp nhận các nước thiết lập quan hệ ngoại giao cùng lúc với cả Bắc Kinh lẫn Đài Bắc.