Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh, Tổng thông Duque đã trao hiệu lực cho JEP sau khi ông thất bại trong việc sửa đổi một phần của thỏa thuận lịch sử này vì cho rằng nó quá “nhẹ tay” với các tay súng từng là thành viên của FARC.
Trong một thông cáo chính thức, Tổng thống Duque nhấn mạnh: “Kể từ quyết định này, JEP đã có đầy đủ chức năng hiến định và luật định để áp dụng các tiêu chuẩn của mình và tập trung vào việc thực thi các thủ tục tố tụng hình sự đối với những ai tham gia một cách quyết định vào những sự việc nghiêm trọng và tiêu biểu nhất của cuộc xung đột vũ trang”. Ông Duque từng từ chối ban hành cơ chế trên do phản đối 6 trong số 195 mục của JEP – vốn được coi trụ cột của thỏa thuận hòa bình mà cựu Tổng thống Juan Manuel Santos ký với FARC vào cuối năm 2016.
Tuy nhiên, Tòa án Hiến pháp đã ngăn cản mọi kế hoạch sửa đổi văn bản gốc của dự luật nói trên bằng phán quyết ra ngày 29/5, sau khi Quốc hội Colombia có một phiên tranh cãi nẩy lửa xung quanh các đề xuất chỉnh sửa của Tổng thống Duque và quyết định đưa vụ việc lên cơ quan tư pháp tối cao này.
Trước đó, Liên hợp quốc và các nước từng tham gia bảo trợ quá trình hòa đàm suốt 4 năm tại La Habana, Cuba cũng đã nhiều lần lên tiếng hối thúc Colombia thông qua cơ chế JEP và thực thi trọn vẹn thảo thuận hòa bình nói chung, từng được đông đảo cộng đồng quốc tế hoan nghênh và coi như biểu tượng của đối thoại thay cho đối đầu.