“Ngài thị trưởng (Duterte) nhiều lần nói rằng dù được hay mất ông muốn tới Vatican, không chỉ là diện kiến Giáo hoàng, mà ông ấy thực sự muốn giải thích với người đứng đầu Tòa thánh và xin được tha thứ”, Peter Lavina phát ngôn viên của Tổng thống đắc cử Duterte phát biểu trước các phóng viên tại thành phố Davao hôm 12/5.
Thị trưởng lâu năm Davao đã vượt lên các ứng cử viên khác và giành thắng lợi vang dội tại cuộc bầu cử Tổng thống hôm 9/5. Chiến thắng này là kết quả của chiến dịch tranh cử khác người, mà ở đó Duterte không ngần ngại sử dụng những ngôn từ chỉ trích mạnh mẽ nhằm “hạ bệ” các chính khách, đối thủ.
Ông Rodrigo Duterte có 22 năm làm Thị trưởng Davao. Ảnh: Reuters |
Trong một lần phát biểu trước công chúng, “Donald Trump Philippines” từng cáo buộc Giáo hoàng Francis là người gây ra tình trạng ùn tắc giao thông ở thủ đô Manila khi ông có chuyến thăm tới Philippines hồi năm ngoái. “Chúng ta phải mất 5 giờ đồng hồ để đi từ khách sạn đến sân bay. Tôi tự hỏi là ai đang đến vậy. Họ nói đó là Giáo hoàng. Tôi muốn nói với ông ấy là: ‘Giáo hoàng, đồ con hoang, hãy về nhà đi’. Đừng đi thăm đâu nữa”, tổng thống đắc cử Philippines từng nói.
Giới chức sắc Thiên chúa ở Philippines lên án phát biểu của Duterte, tuy nhiên điều này không ảnh hưởng nhiều đến tín nhiệm của cử tri đối với ông. Vị chính trị gia này thường sử dụng cụm từ “con hoang” để đặc tả các đối thủ, những nhân vật hay chỉ trích ông, trong số này có cả Tổng thống đương nhiệm Benigno Aquino.
“Ngông cuồng” chỉ là nhất thời?
Ngay sau sự cố này, Duterte đã xin lỗi Giáo hoàng qua một lá thư và nhận được phản ứng từ Vatican, nói rằng Tòa thánh bỏ qua. Ông Lavina cho biết, tổng thống đắc cử Philippines chưa có lịch chính thức tới Vatican, dù đây là một ưu tiên hàng đầu ngay sau lễ tuyên thệ nhậm chức dự kiến được tổ chức vào ngày 30/6 tới.
Vị phát ngôn viên này cũng tiết lộ, trong vài ngày trở lại đây, ông Duterte có kế hoạch chuyển sang một tông phát biểu “trung tính hơn”, đúng chất của một vị tổng thống hơn khi nhậm chức. Theo Lavina, thứ ngôn ngữ gây sốc, lăng mạ chỉ là một phần trong kế hoạch thu hút sự chú ý và giành ủng hộ của cử tri.
“Các bạn phải thông hiểu lề lối của các cuộc bầu cử ở Philippines. Bối cảnh ở đây là, hầu hết các chính trị gia cần phải giao tiếp với công chúng, vì thế nhiều chính trị gia hát, nhảy… Một số kể chuyện cười, số khác thì tạo ra khuôn mặt hài hước. Không ít người ăn mặc khác kiểu. Trong một cục diện như vậy, cử tri thường được chứng kiến những câu chuyện phiếm, lối nói bỡn cợt trong chiến dịch tranh cử. Chúng tôi không tin là giới lãnh đạo mới sẽ vẫn lại thể hiện một cung cách như thế”, ông Lavina nói.
Trong khi vận động tranh cử, ông Duterte cũng từng gây ra những cơn giận dữ ngoại giao, với tuyên bố sẵn sàng chấm dứt quan hệ với Mỹ và Australia - hai đồng minh thân cận nhất Philippines; yêu cầu Đại sứ hai nước này ở Manila “im miệng”. Cảnh báo này được đưa ra sau khi Đại sứ hai nước này ở Philippines chỉ trích bình luận của ông Duterte về “cưỡng hiếp một phụ nữ người Australia”. Trước đó, “Donald Trump Philippines” nhắc đến vụ nữ truyền giáo người Australia Jacqueline Hamill bị cưỡng hiếp và giết hại ở nhà tù Davao, nói rằng với tư cách thị trưởng, ông nhẽ ra phải là người đầu tiên được quan hệ với người phụ nữ xinh “như diễn viên điện ảnh Mỹ” này.