Trước mặt đại điện 193 nước thành viên, liệu Tổng thống Trump vẫn giữ nguyên thái độ chỉ trích Liên hợp quốc. |
Ngày 19/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có bài phát biểu cũng như lần xuất hiện đầu tiên tại cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) – một sự kiện tổ chức thường niên tụ họp các nhà lãnh đạo trên thế giới bàn cách giải quyết các khủng hoảng nghiêm trọng.
Mọi con mắt dường như đang đổ dồn về sự xuất hiện lần này của Tổng thống Trump, hồi hộp lo lắng liệu ông có những hành động, phát ngôn không truyền thống, đi chệch khỏi kịch bản cho trước – như những gì ông thể hiện trong các lần gặp mặt lãnh đạo thế giới trước đây.
Trước đó, Tổng thống Trump luôn bày tỏ cái nhìn khắt khe chỉ trích vai trò của LHQ, khi cho rằng đó chỉ là một “câu lạc bộ cho mọi người tụ tập, nói chuyện và vui vẻ với nhau”. Ông còn đe dọa với đề xuất cắt giảm đáng kể chi phí đóng góp của Mỹ tới LHQ – điều mà LHQ khẳng định sẽ khiến các hoạt động thiết yếu của tổ chức khó có thể duy trì.
Với loạt lệnh trừng phạt mới nhất mà LHQ thông qua phản đối Triều Tiên, Tổng thống Trump cũng tỏ ý coi thường, khi cho đó chỉ là một “bước tiến khá nhỏ” và sẽ không có ảnh hưởng gì tới chương trình vũ khí của quốc gia Đông Bắc Á này.
Tuy nhiên, theo giới quan chức và các nhà ngoại giao Mỹ, Tổng thống Trump vẫn hiểu rằng LHQ có thể đóng một vai trò hữu ích trong việc giải quyết khủng hoảng chương trình hạt nhân Triều Tiên hay gây sức ép tới chính quyền Iran.
Bên cạnh đó, không phải bất kỳ điều gì Tổng thống Trump nói về LHQ cũng là nói xấu. Trong một cuộc họp với các quan chức LHQ vào tháng 4 vừa qua tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump tỏ ý khen ngợi: “Tôi cảm thấy LHQ hoạt động không được tốt lắm nhưng có tiềm năng to lớn”.
Bắt đầu tuần mới, Tổng thống Trump sẽ chủ trì cuộc họp đặc biệt bàn về việc cải cách LHQ. Cuộc họp này sẽ tập trung chủ yếu về những sáng kiến cắt giảm các chương trình giống nhau, xem xét lại cơ cấu cơ quan hành pháp của LHQ… Theo giới chức ngoại giao, ít nhất 100 nước đã đồng ý tham dự. Các nước tham gia cuộc họp được yêu cầu phải ký cam kết bản tuyên bố gồm 10 điều ủng hộ cải cách.
Tiếp đến, ngày hôm sau (19/9), Tổng thống Trump sẽ có bài phát biểu trước toàn thể lãnh đạo các nước trong cuộc họp Đại hội đồng LHQ đầu tiên kể từ khi nhậm chức. Theo cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster, trong bài phát biểu lần này, Tổng thống Mỹ sẽ nhấn mạnh 3 mục tiêu: hòa bình, sự phồn vinh và chủ quyền.
Ban trợ lý Nhà Trắng cho biết bài phát biểu của Tổng thống Trump vẫn đang được viết và chủ đề có thể thay đổi. Tuy nhiên, bài phát biểu có thể đề cập đến Triều Tiên và Iran, khi tìm kiếm sự ủng hộ từ các nước thành viên đối với các biện pháp cứng rắn liên quan đến chương trình tên lửa hạt nhân Bình Nhưỡng.
Bên cạnh đó, phần lớn của hoạt động chủ chốt của Tổng thống Trump tại Đại hội đồng LHQ lần này là các cuộc gặp mặt bên lề với lãnh đạo các nước khác.
Trong tuần tới, Tổng thống Trump sẽ gặp mặt Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Vua Abdullah – Quốc vương Jorrdan – một đồng minh Arab có ảnh hưởng. Tuy nhiên, hai nhà lãnh đạo của hai cường quốc thế giới sẽ vắng mặt trong cuộc họp quốc tế: Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tổng thống Trump có thể tận dụng những cuộc gặp mặt bên lề này để tìm kiếm sự ủng hộ cho việc bãi bỏ thỏa thuận hạt nhân quốc tế với Iran – bản thỏa tuận mà ông cho là tồi tệ nhất từ trước đến nay.