Theo ông Jokowi, lãnh đạo địa phương có thể sử dụng 2% Quỹ chuyển giao chung (DAU) và Quỹ chia sẻ doanh thu (DBH) thông qua hình thức hỗ trợ xã hội để trợ cấp nhằm giải quyết các tác động của việc tăng giá nhiên liệu vừa qua. Nguồn ngân sách này cũng có thể được sử dụng để bù đắp cho chi phí vận tải tăng do giá nhiên liệu. Ví dụ, chi phí vận chuyển một số mặt hàng tiêu dùng từ Brebes đến Lampung được ấn định khoảng 3 triệu Rp (khoảng 200 USD), chính quyền địa phương sẽ bù vào cước vận chuyển tăng thêm do giá nhiên liệu tăng. Ông Jokowi cho rằng: "Chính quyền địa phương đã triển khai kịp thời. Vì vậy, giá một số mặt hàng nông sản ở Brebes bằng với giá trên thị trường. Nếu tất cả các khu vực đều có thể làm được điều này, chúng tôi có thể giữ cho lạm phát không tăng".
Chi phí vận chuyển hàng hóa do chính quyền khu vực, tỉnh, huyện hoặc thành phố chịu. Bằng cách bù đắp chi phí vận chuyển, lạm phát có thể giảm.
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani cho biết, chính phủ đã đưa ra 3 loại trợ cấp xã hội (BLT) cho người nghèo nhằm giảm tác động của lạm phát trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng. Tổng số tiền được chuẩn bị cho trợ cấp xã hội đạt 24,17 nghìn tỷ Rp (khoảng 1,6 tỷ USD). Thứ nhất, BLT sẽ phân phát cho mỗi gia đình 600 nghìn Rp/tháng trong 4 tháng. Tổng ngân sách sẽ giải ngân khoảng 12,4 nghìn tỷ Rp (tương đương 840 triệu USD). Thứ hai, Hỗ trợ trợ cấp tiền lương (BSU) 600 nghìn Rp cho người lao động có mức lương dưới 3,5 triệu Rp. Dự kiến, khoảng 14 triệu công nhân sẽ được nhận gói hỗ trợ này. Tổng quỹ trợ giúp xã hội đã giải ngân cho BSU là 9,6 nghìn tỷ Rp (khoảng 645 triệu USD). Thứ ba, khoản trợ cấp sử dụng 2% DAU và DBH với tổng trị giá 2,17 nghìn tỷ Rp (khoảng 142 triệu USD) để hỗ trợ các loại chi phí khác.