Phát biểu ngày 3/2 trong một cuộc họp nội các, Tổng thống Rouhani nhấn mạnh: "Không có điều khoản nào của Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) sẽ thay đổi. Và không có nước khác nữa tham gia vào JCPOA". Ông nhấn mạnh đây là một thỏa thuận và các bên cần phải tuân thủ.
Trước đó ngày 1/2, Ngoại trưởng Iran, Mohammad Javad Zarif kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) điều phối để cả Mỹ và Iran cùng quay trở lại tuân thủ thỏa thuận, trong bối cảnh một bế tắc ngoại giao về việc ái sẽ hành động đầu tiên. Ông Zarif nói quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của EU, Josep Borrell cần đóng vai trò trong khả năng điều phối của mình đối với thỏa thuận.
Tuy nhiên người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói vẫn còn quá sớm để chấp thuận một đề nghị như vậy, đồng thời lặp lại lời kêu gọi Tehran cần quay trở lại tuân thủ trước.
Cựu Tổng thống Donald Trump rút Mỹ ra khỏi JCPOA và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran năm 2018, đồng thời duy trì chính sách "áp lực tối đa" đối với Iran. Một năm sau đó, Tehran đã đáp trả bằng việc giảm bớt việc tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận trên.
Sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên tiếng ủng hộ việc quay trở lại JCPOA, nhưng nhấn mạnh rằng Tehran trước tiên phải tiếp tục tuân thủ đầy đủ và xem xét mở rộng thỏa thuận ra ngoài vấn đề hạt nhân. Trong khi đó, đối thủ khu vực của Iran là Saudi Arabia cũng đã kêu gọi đóng vai trò trong bất kỳ cuộc đàm phán nào trong tương lai về thỏa thuận này.