Truyền hình nhà nước Iran ngày 15/2 đưa tin Tổng thống nước này Mahmoud Ahmadinejad đã ra lệnh xây thêm bốn lò phản ứng nghiên cứu mới để bổ sung cho lò phản ứng duy nhất đang hoạt động tại thủ đô Têhêran.
Tổng thống Ahmadinejad cho rằng dựa trên nhu cầu của nước này, cần phải xây dựng bốn lò phản ứng tại bốn địa điểm khác nhau để triển khai các hoạt động nghiên cứu cũng như cung cấp đồng vị phóng xạ phục vụ mục đích y tế. Iran đang xây dựng một lò phản ứng nghiên cứu ở thành phố Arak, miền Trung nước này với thiết kế mạnh hơn lò phản ứng tại Tehêran. Đồng thời, Iran cũng có kế hoạch xây dựng 20 lò phản ứng để sản xuất điện nguyên tử.
Sắc lệnh trên của Tổng thống Ahmadinejad được đưa ra trong bối cảnh Iran vừa công bố một loạt tiến bộ trong chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này như tăng thêm 3.000 máy li tâm, nạp các thanh nhiên liệu lần đầu được sản xuất trong nước vào lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân...Đây là động thái được cho là sẽ làm gia tăng thêm căng thẳng giữa Iran với phương Tây.
Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad. Nguồn: Internet. |
Trong phản ứng từ Oasinhtơn, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, Victoria Nulan cho rằng trên thực tế những tiến bộ này đã được Têhêran thổi phồng: "Thành thực mà nói, chúng tôi không thấy có nhiều thứ mới mẻ ở đây. Đây không phải tin tức chấn động".
Thư ký báo chí Nhà Trắng, Jay Carney lại cho rằng Iran đang "đánh lạc hướng" cộng đồng quốc tế về thiệt hại mà những lệnh trừng phạt quốc tế gây phương hại cho quốc gia Hồi giáo này. Theo ông Carney, "những hành động kháng cự" của Iran cho thấy giới lãnh đạo ở Têhêran đang phải chịu nhiều sức ép.
Trong khi đó, trang web Bộ Ngoại giao Nga ngày 15/2 dẫn lời Thứ trưởng nước này Sergei Ryabkov trả lời phỏng vấn báo chuyên ngành "Security Index" cho rằng "Iran đang thực sự có những bước tiến trong chương trình hạt nhân của mình, và Nga lo ngại khoảng cách từ chỗ Têhêran sở hữu lý thuyết công nghệ hạt nhân tới việc chế tạo vũ khí hạt nhân đang ngày càng được thu hẹp". Ông Ryabkov nêu rõ một nước Iran sở hữu vũ khí hạt nhân "không phải là lựa chọn của Nga".
Tuy nhiên, Thứ trưởng Ngoại giao Nga này cũng tuyên bố Mátxcơva sẽ không tham gia các lệnh trừng phạt, vốn nhiều khả năng được đưa ra nhằm thay đổi chế độ ở Iran. Ông Ryabkov khẳng định: "Nga sẽ không can dự và tuyệt đối không chia sẻ trách nhiệm pháp lý và chính trị với những động thái này". Theo ông Ryabkov, Nga vẫn chưa thấy bằng chứng rằng chương trình hạt nhân của Iran mang quy mô quân sự.
Trong một diễn biến khác, ngày 15/2, Liên minh châu Âu (EU) cho biết đã nhận được phúc đáp từ phía Iran và sẽ "nghiên cứu kỹ lưỡng" nội dung bức thư này sau khi Têhêran tuyên bố có ý định nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân với các cường quốc thế giới.
Theo hãng thông tấn chính thức IRNA của Iran, lá thư trên nêu rõ "Têhêran hoan nghênh việc Nhóm P5+1 (gồm năm nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức) sẵn sàng nối lại các cuộc thương lượng nhằm đưa ra những bước đi cơ bản để hướng tới tăng cường hợp tác.... Iran sẵn sàng tiếp tục cuộc đàm phán. Chúng tôi hoan nghênh bình luận mới đây của Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU Catherine Ashton rằng EU tôn trọng quyền sử dụng năng lượng hạt nhân vì hòa bình của Iran". Cuộc đàm phán gần đây nhất giữa Iran và Nhóm P5+1 diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ hồi năm ngoái song không có kết quả.
Cùng ngày, giới truyền thông cho biết Iran đã triệu đại sứ sáu nước Hà Lan, Pháp, Tây Ban Nha, Italia, Hy Lạp và Bồ Đào Nha đến để phản đối các lệnh trừng phạt mới do EU áp đặt đối với nước Cộng hòa Hồi giáo này. Hồi tháng 1, các Ngoại trưởng EU đã chính thức thông qua lệnh cấm vận dầu mỏ "chưa từng có" đối với Iran do chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Têhêran.
Trong khi các động thái ngoại giao chưa có tiến triển nào, ngày 15/2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta lại một lần nữa lên tiếng cảnh báo “Mỹ sẽ làm tất cả mọi việc để ngăn chặn tham vọng chế tạo vũ khí hạt nhân của Iran”.
Phát biểu trong cuộc điều trần tại Ủy ban Quân lực Thượng viện, ông Panetta cho biết cho tới thời điểm này Ixraen vẫn chưa có quyết định về một cuộc không kích đánh phủ đầu vào các cơ sở hạt nhân của Iran. Tuy nhiên, Mỹ và đồng minh “sẽ không tha thứ cho một Iran có vũ khí hạt nhân”. Bác bỏ cách đặt vấn đề của một số nghị sỹ cho rằng “phải chăng Mỹ phải chờ cho Iran có bom hạt nhân mới thực thi chiến lược ngăn chặn”, Bộ trưởng Panetta tuyên bố Mỹ sẵn sàng hành động để ngăn chặn Têhêran ngay từ khi quốc gia Hồi giáo này bắt tay vào sản xuất bom hạt nhân.
Về câu hỏi của Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Roger Wicker xung quanh những tin tức nói rằng Ixraen có thể tấn công Iran vào mùa Thu năm nay, ông Panetta cho biết chính quyền của Tổng thống Barack Obama vẫn tin là chính phủ Ixraen cho tới nay vẫn chưa có bất kỳ quyết định nào về kế hoạch không kích Iran.
Lời cảnh báo trên đây của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ được đưa ra giữa lúc Ixraen cáo buộc Iran đứng sau một loạt âm mưu đánh bom nhằm vào các nhà ngoại giao Ixraen ở Grudia và Ấn Độ. Trong khi đó, Iran cáo buộc Ixraen cách đây một tháng đã sát hại một nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của nước này.
TTXVN/Tin Tức