Hãng thông tấn AP (Mỹ) cho biết Tổng thống Biden khép lại khoảng thời gian dự Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow (Scotland) vào ngày 2/11 với cáo buộc Trung Quốc đã không thực hiện mức cam kết mà 100 quốc gia khác nhất trí để giảm khí thải nhà kính.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng không dự hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Rome (Italy). Điều này tạo điều kiện để ông Biden có ưu thế qua đối thoại khi ông gặp gỡ những người đồng cấp Pháp, Anh, Đức và Italy.
Nhà lãnh đạo Mỹ từng nhấn mạnh rằng ông muốn cạnh tranh với Trung Quốc thay vì có xung đột tuy nhiên ông cũng thể hiện chiến thuật mới sử dụng khí hậu như một vũ khí chống lại Bắc Kinh.
Cố vấn An ninh Nhà Trắng Jake Sullivan trong chuyến công du đã đề cập với các phóng viên rằng Trung Quốc có nghĩa vụ “đứng lên phía trước” về khí hậu và Washington sẽ liên tục hối thúc Bắc Kinh. Một công cụ có thể được sử dụng là hình phạt kinh tế. Ông chủ Nhà Trắng đã đạt được thỏa thuận với Liên minh châu Âu để chặn cái gọi là “thép bẩn” có thể bắt nguồn từ các nhà máy than đá Trung Quốc.
Chuyến công du 5 ngày tại châu Âu được coi là sự kiện để quảng bá thông điệp của Tổng thống Biden rằng nước Mỹ đang quay trở lại. Điều này đồng nghĩa với việc nhấn mạnh lý do nhà lãnh đạo này tin rằng Mỹ phải tái hòa nhập với thế giới sau 4 năm xa lánh dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Tổng thống Biden đang tìm cách hình thành liên minh mới để đối trọng với Trung Quốc từ nhiều phía, về vấn đề kinh tế, an ninh và môi trường.
Tổng thống Biden coi các nỗ lực để hạn chế tình trạng ấm lên toàn cầu là cơ hội tạo việc làm và kích thích kinh tế phát triển. Ông khẳng định thập niên mới rất quan trọng để kiểm soát biến đổi khí hậu.
Bản thân Mỹ vẫn còn nhiều công việc cần phải làm bởi quốc gia này vẫn khai thác hầu hết năng lượng từ khí đốt tự nhiên, than đá. Ông Biden đã thừa nhận điều này trong chuyến công du khi Mỹ khuyến khích các nước vùng Vịnh tăng cường khai thác để giảm giá dầu.
Trung Quốc cam kết trung hòa carbon trước năm 2060, 10 năm sau Mỹ. Câu hỏi được đặt ra là 10 năm đó sẽ tạo ra khác biệt nào giữa Mỹ và Trung Quốc.
Ngày 3/11, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cũng lên tiếng phản bác lại tuyên bố của Tổng thống Biden. Phát biểu họp báo, ông Uông Văn Bân khẳng định: "Hành động có giá trị hơn lời nói. Điều chúng ta cần để đối phó biến đổi khí hậu, đó là hành động cụ thể thay vì những lời nói sáo rỗng. Hành động của Trung Quốc trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu là thực chất".